Liên hợp quốc cảnh báo thế giới về hiện tượng biến đổi khí hậu

Thứ bảy, 27/02/2021 12:27
(ĐCSVN) – Báo cáo mới nhất của Liên hợp quốc công bố ngày 26/2 kêu gọi các quốc gia cần hành động mạnh mẽ và tham vọng hơn nữa để đạt được các mục tiêu của Thỏa thuận Paris về khí hậu và hạn chế nhiệt độ tăng không quá 1,5 độ C vào cuối thế kỷ này.
 Các quốc gia đang nỗ lực nhằm hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C (Ảnh minh họa: Khánh Linh)

Báo cáo tổng hợp ban đầu về Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) đo lường tiến độ của các kế hoạch hành động khí hậu quốc gia, vào thời điểm vài tháng trước khi diễn ra phiên họp thứ 26 của Hội nghị các bên (COP26) được tổ chức vào tháng 11 tại Glasgow.

Theo báo cáo, các quốc gia còn "xa mức độ" của hành động cần thiết để chống lại sự nóng lên toàn cầu. Tài liệu này cho thấy rằng ngay cả khi một số quốc gia đã tăng cường nỗ lực thì tác động tổng hợp cũng vẫn chưa đủ.

Nhận định về kết luận của báo cáo, Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres cho biết: “Báo cáo tạm thời của UNFCCC được công bố hôm nay là một báo động đỏ cho hành tinh của chúng ta. Nó cho thấy rằng các chính phủ còn lâu mới đạt đến mức tham vọng cần thiết để hạn chế biến đổi khí hậu ở mức 1,5 độ và đạt được các mục tiêu của Thỏa thuận Paris”.

2021 – một năm bản lề

Người đứng đầu Liên hợp quốc đánh giá rằng năm 2021 là năm bản lề để ứng phó với tình trạng khẩn cấp về khí hậu toàn cầu. Ông nói: “Khoa học đã rõ ràng, để hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C, chúng ta phải giảm lượng khí thải toàn cầu xuống 45% vào năm 2030, so với mức năm 2010”.

Tổng thư ký kêu gọi các quốc gia phát thải lớn "đẩy nhanh mục tiêu giảm phát thải" cho năm 2030 trong NDC của họ, nhấn mạnh rằng các kế hoạch kích thích kinh tế hậu đại dịch COVID-19 cung cấp khả năng "xây dựng lại xanh hơn và sạch hơn". “Các nhà hoạch định chính sách cần đi đầu cuộc đối thoại. Các cam kết dài hạn phải đi đôi với hành động ngay lập tức để khởi động một thập kỷ chuyển đổi mà con người và hành tinh đang rất cần” – ông Guterres nhấn mạnh.

Báo cáo, một "ảnh chụp nhanh, không phải là một bức tranh hoàn chỉnh"

Báo cáo của UNFCCC, bao gồm các đệ trình của các quốc gia đến ngày 31/12/2020, cho thấy 75 Bên tham gia công ước khung đã đệ trình một NDC mới hoặc bản cập nhật, chiếm khoảng 30% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu.

Thư ký điều hành của UNFCCC Patricia Espinosa cho biết báo cáo này là “một bức tranh tổng thể, không phải một bức tranh toàn cảnh” về NDC, vì COVID-19 đã đặt ra những thách thức đáng kể cho nhiều quốc gia để hoàn thành các đệ trình của họ vào năm 2020.

Bà nói thêm rằng một báo cáo thứ hai sẽ được phát hành trước COP26, đồng thời kêu gọi tất cả các quốc gia, đặc biệt là các nhà phát thải lớn, chưa thực hiện điều này, gửi bài đệ trình càng sớm càng tốt, để thông tin của họ có thể được đưa vào bản báo cáo tới. "Chúng tôi chúc mừng các Bên đã vượt qua những thách thức do COVID-19 đặt ra vào năm 2020, hoàn thành các cam kết theo Thỏa thuận Paris và đệ trình NDC đúng hạn... nhưng đã đến lúc tất cả các bên phải vận động, giữ lời hứa của mình và đệ trình NDC của họ càng sớm càng tốt” – bà Espinosa nêu rõ.

Thỏa thuận Paris được thông qua tại Hội nghị lần thứ 21 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) năm 2015 và có hiệu lực năm 2016, ràng buộc trách nhiệm đóng góp của tất cả các quốc gia tham gia về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu, đóng góp tài chính, chuyển giao công nghệ và tăng cường năng lực.

Đây là khuôn khổ pháp lý toàn cầu đầu tiên ràng buộc trách nhiệm của tất cả các Bên trong việc giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu để phát triển bền vững. Nội dung quan trọng nhất của Thỏa thuận Paris quy định việc các Bên tham gia xây dựng và tổ chức thực hiện NDC; giám sát, đánh giá việc thực hiện và cung cấp nguồn lực tài chính, công nghệ, tăng cường năng lực để thực hiện NDC. NDC cung cấp những thông tin về đóng góp do một quốc gia sẽ thực hiện nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu trong điều kiện kinh tế - xã hội hiện tại và dự báo trong tương lai./.

Khánh Linh (Theo UN, AFP, Maxiciences)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực