|
Tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa diễn ra phổ biến tại nhiều quốc gia trên thế giới.
(Ảnh minh họa: Khánh Linh) |
Báo cáo có tiêu đề “Bị bỏ rơi: Tác động của Công bằng Môi trường do Ô nhiễm nhựa”, kêu gọi xác định các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi chất thải nhựa và đưa họ vào quá trình ra quyết định tại địa phương.
Báo cáo trình bày chi tiết các trường hợp bất công về môi trường, từ nạn phá rừng và việc di dời của người dân bản địa để mở đường khai thác dầu; nhiễm bẩn nước uống từ chất lỏng và nước thải do phương pháp bẻ gãy thủy lực ở Mỹ và Sudan; các vấn đề sức khỏe của các cộng đồng người Mỹ gốc Phi sống gần các nhà máy lọc dầu của Vịnh Mexico ở Mỹ, cho đến những rủi ro nghề nghiệp mà khoảng 2 triệu người nhặt rác thải ở Ấn Độ phải đối mặt.
Giám đốc Điều hành UNEP Inger Andersen cho biết: “Công bằng về môi trường liên quan đến việc làm cho những người ở tuyến đầu của ô nhiễm nhựa nhận thức được các rủi ro liên quan, trong đó có cả họ, trong các quyết định về sản xuất, sử dụng và thải bỏ nhựa, và bảo đảm tiếp cận với một hệ thống luật pháp đáng tin cậy”.
Nhiều mối đe dọa
Rác thải nhựa không chỉ đe dọa sinh kế của những người phụ thuộc vào nguồn tài nguyên biển để sinh sống, mà có thể dẫn đến một loạt các vấn đề về sức khỏe cho người tiêu dùng cá và hải sản bị nhiễm vi nhựa và nhựa nano độc hại.
Thách thức về rác thải nhựa, còn trầm trọng hơn bởi đại dịch COVID-19, là một phần không thể thiếu trong cuộc khủng hoảng ô nhiễm toàn cầu, cùng với việc mất đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu. Thách thức này thể hiện tình trạng khẩn cấp phải được giải quyết bởi những thay đổi lớn trong cách loài người sử dụng tài nguyên của trái đất.
Ông Juliano Calil, tác giả chính của báo cáo và là Giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Kinh tế Xanh, cho biết: “Hậu quả của rác thải nhựa đối với các nhóm dân cư dễ bị tổn thương vượt xa các hệ thống quản lý rác thải kém hiệu quả và đôi khi còn không tồn tại”. “Nó bắt đầu với những vấn đề liên quan đến việc khai thác dầu, thông qua môi trường độc hại và khí thải gây hiệu ứng nhà kính, thậm chí nó còn có những tác động đến các chính sách phân phối nước” – ông lưu ý.
Vấn đề về công bằng xã hội
Các tác giả của báo cáo khuyến nghị các chính phủ nên mở rộng việc giám sát rác thải nhựa, nghiên cứu về những ảnh hưởng tới sức khỏe mà rác thải nhựa gây ra và đầu tư vào việc quản lý rác thải nhựa.
Thêm vào đó, các chính phủ cũng được khuyến khích áp dụng và tăng cường thực thi lệnh cấm đồ nhựa sử dụng một lần và tạo điều kiện giảm thiểu, tái chế và tái sử dụng nhựa.
Ngoài ra, theo báo cáo, các chính phủ cần tổ chức nhiều chiến dịch nâng cao nhận thức giữa các cộng đồng có liên quan và giúp họ hành động bằng cách bảo đảm họ tiếp cận với một hệ thống tư pháp hiệu quả tôn trọng các nguyên tắc của công bằng môi trường.
"Ô nhiễm nhựa là một vấn đề của công bằng xã hội" – đồng tác giả của báo cáo, Người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Azul, Marce Gutiérrez-Graudiņš, lưu ý rằng "những nỗ lực hiện tại để quản lý và giảm thiểu ô nhiễm do nhựa là không đủ để giải quyết tất cả các vấn đề mà nó gây ra”.
Người sáng lập Azul cho rằng "tác động khác nhau đối với các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi nhựa, trong từng bước từ sản xuất đến chất thải, cần phải nhanh chóng xem xét công bằng môi trường trong bảo tồn biển".
Báo cáo thực hiện theo nghị quyết ngày 2/11 của Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc, kêu gọi UNEP nghiên cứu sâu hơn về các tác động môi trường, sức khỏe và xã hội của nhựa.
Báo cáo cũng nhấn mạnh chất thải nhựa làm suy yếu việc đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs), bao gồm SDG1 về xóa nghèo, SDG2 để không còn nạn đói, SDG14 về bảo vệ các hệ sinh thái biển và SDG16 về tiếp cận công lý cho tất cả mọi người và thiết lập các các thể chế hòa nhập ở tất cả các cấp./.