Liên hợp quốc cảnh báo tình trạng thiếu hụt hàng hóa ở Sudan

Thứ sáu, 12/05/2023 16:38
(ĐCSVN) - Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA), ngày 11/5, cho biết: Chiến sự kéo dài nhiều ngày qua ở Sudan đã gây ra tình trạng thiếu lương thực, nước, nhiên liệu và tiền mặt ở một số khu vực, khiến giá cả tăng gần gấp 4 lần.
Người tị nạn Sudan từ khu vực Tandelti chờ đợi nhận viện trợ ở Koufroun, Chad. (Ảnh: Getty)

Theo cơ quan nhân đạo của Liên hợp quốc, giá các mặt hàng cơ bản như nhiên liệu, lương thực và nước đã tăng từ 60% trở lên do những thách thức về nguồn cung bởi các cuộc đụng độ ở Khartoum và các khu vực khác của Sudan. Đây là một trở ngại mới đối với nền kinh tế trì trệ của Sudan. Tình trạng thiếu các mặt hàng nhu yếu phẩm như bột mì và rau quả đã được báo cáo ở thủ đô cùng với tình trạng giá cả tăng vọt chưa từng thấy.

Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng lên tiếng cảnh báo về tình trạng các cơ sở chăm sóc sức khỏe tiếp tục bị tấn công và chiếm đóng bởi các bên xung đột. Tại thủ đô Khartoum của Sudan, có tới 60% cơ sở y tế hoàn toàn không hoạt động, trong khi chỉ có chưa đầy 20% số cơ sở y tế còn cầm cự được.

WHO cho biết, ở khu vực phía Tây Darfur, một số trung tâm y tế đã được mở cửa trở lại để cung cấp dịch vụ điều trị khẩn cấp, sản phụ, nhi khoa và chữa trị các ca bệnh mãn tính. Trong thời gian tới, WHO sẵn sàng gửi hơn 110 tấn vật tư y tế khẩn cấp từ thành phố Port Sudan đến hơn 13 khu vực khác trên khắp lãnh thổ Sudan.

“Chúng tôi cần đảm bảo lối đi an toàn để vận chuyển những vật tư quan trọng này đến các cơ sở y tế để phục vụ cho các hoạt động cứu sinh của họ” – thông báo của WHO nêu rõ.

Cao ủy Liên hợp quốc về Người tị nạn (UNHCR) cho biết, kể từ khi giao tranh giữa quân đội Chính phủ và Lực lượng hỗ trợ giao tranh (RSF) bùng phát từ ngày 15/4, đã có hơn 164.000 người phải rời bỏ nhà cửa và chạy tị nạn qua biên giới sang các nước: Cộng hòa Trung Phi, Chad, Ai Cập, Ethiopia, Libya và Nam Sudan.

Theo tính toán của Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), xung đột leo thang từ trung tuần tháng 4/2023 đã khiến 736.000 người dân Sudan phải chạy tị nạn trong nước. Bất ổn đã khiến cuộc khủng hoảng nhân đạo ở quốc gia Bắc Phi thêm trầm trọng bởi trước thời điểm xảy ra nội chiến, đã có gần 3,8 triệu người Sudan phải rời bỏ nhà cửa và sống tị nạn trên chính đất nước mình.

Sudan là nước xuất khẩu quan trọng kẹo cao su Ả Rập (Gum Arabic), vàng, vừng, lạc và gia súc. Tuy nhiên, nền kinh tế quốc gia Bắc Phi đã bị kìm hãm bởi nhiều thập kỷ chịu sức ép trừng phạt và cô lập quốc tế, cũng như quản lý yếu kém và tham nhũng.

Trong nhiều năm qua, người dân Sudan đã phải vật lộn với lạm phát tăng vọt và đồng tiền mất giá mạnh. Tình hình trở nên tồi tệ hơn sau cuộc đảo chính quân sự năm 2021 khi các tổ chức tài chính quốc tế tạm dừng các chương trình viện trợ dành cho Sudan.

Trước bối cảnh trên, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cảnh báo tình trạng quá tải về năng lực đáp ứng nhân đạo và các dịch vụ thiết yếu ở những cộng đồng tiếp nhận người dân Sudan tị nạn. Mùa mưa sắp tới cũng sẽ làm gia tăng các thách thức tiếp cận nhân đạo và tăng rủi ro dịch bệnh. Cuộc xung đột ở Sudan cũng làm gián đoạn các hoạt động thương mại và di chuyển xuyên biên giới, làm gia tăng nguy cơ mất an ninh lương thực ở các cộng đồng tiếp nhận người tị nạn./.

T.Lan (Theo Xinhua, africanews)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực