Liên hợp quốc cảnh báo về khủng hoảng khí hậu ở Iraq

Thứ năm, 10/08/2023 16:43
(ĐCSVN) - Ngày 9/8, Cao ủy nhân quyền Liên hợp quốc Volker Turk cảnh báo rằng nhiệt độ tăng cao và cuộc khủng hoảng nước ở Iraq có thể là lời cảnh báo về tương lai đang đến với các quốc gia khác trên thế giới.
  Cao ủy nhân quyền Liên hợp quốc Volker Turk phát biểu trong cuộc họp báo tại thủ đô Baghdad của Iraq, ngày 9/8. (Ảnh: AP)

Tình trạng thiếu nước nghiêm trọng ở Iraq do biến đổi khí hậu và sự quản lý yếu kém của chính phủ tác động nghiêm trọng đến các vụ thu hoạch lúa mì và trái cây, đồng thời khiến cá và gia súc chết hàng loạt. Trong nhiều năm qua, các tổ chức nhân đạo đã cảnh báo rằng hạn hán và năng lực quản lý yếu kém có thể lấy đi nguồn nước của hàng triệu người từ sông Euphrates và Tigris. Thành phố lớn thứ 2 của Iraq là Basra là nơi gặp gỡ của hai cửa sông Euphrates và Tigris, đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cuộc khủng hoảng nước ở Iraq. Nhiều khu vực màu mỡ ở nơi đây đã bị biến thành sa mạc, trong khi các hệ thống lọc nước phải ngừng hoạt động do độ mặn tăng cao.

Iraq đã trải qua mùa hè hạn hán thứ tư liên tiếp, trong khi nhiệt độ ở các vùng khác của đất nước bao gồm thủ đô Baghdad và ở vùng cực Nam ghi nhận được là vào khoảng 50 độ C (120 độ F).

"Nhiệt độ tăng cộng với hạn hán và thực tế là mất đi sự đa dạng là một hồi chuông cảnh tỉnh cho Iraq và cho thế giới," Turk nói.

Phát biểu trong cuộc họp báo ở Baghdad sau khi kết thúc chuyến thăm 4 ngày tới Iraq - một trong 5 quốc gia trên thế giới được cho là bị ảnh hưởng nặng nề nhất do tác động của biến đổi khí hậu, Cao ủy nhân quyền Liên hợp quốc Volker Turk cho biết, trong ngày 8/8, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên nước của Iraq đã thông báo rằng, mực nước ở quốc gia này đang ở mức thấp nhất từ trước đến nay.

“Những gì đang xảy ra ở Iraq là một lời cảnh báo về một tương lai đang đến với những nơi khác trên thế giới” – quan chức Liên hợp quốc nhấn mạnh.

Ông Turk chỉ ra rằng, cuộc khủng hoảng khí hậu tại Iraq bắt nguồn từ các yếu tố kết hợp của hiện tượng nóng lên toàn cầu và hạn hán, quản lý nước kém, bạo lực và “sự dư thừa của ngành công nghiệp dầu mỏ”. Nhắc tới tình trạng vùng đầm lầy phía Nam của Iraq đã bị cạn kiệt trong nhiều thập kỷ, ông Tusk lưu ý rằng việc khôi phục có thể phức tạp, đặc biệt là vào thời điểm nhiệt độ tăng cao. Thực tế này cũng sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng lánh nạn và di cư do biến đổi khí hậu. 

Bên cạnh đó, ông Turk cũng nhắc lại cảnh báo của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đưa ra hồi tháng trước rằng "kỷ nguyên nung nóng toàn cầu đã đến". Theo ông, đây là thực tế mà con người đang phải sống chung và chứng kiến hằng ngày. 

Thủ tướng Iraq Mohamed Shia al-Sudani đã từng cam kết sẽ coi nỗ lực chống biến đổi khí hậu là một trong những ưu tiên trong nhiệm kỳ của ông. Tuy nhiên, các nhà hoạt động môi trường lại cho rằng, Iraq mới chỉ thực hiện được một số hành động khiêm tốn./.

T.Lan (Theo France 24, AP)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực