|
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres phát biểu trong cuộc họp báo về việc mở rộng Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen ngày 17/5/2023 (Ảnh: Xinhua).
|
"Chúng tôi có một số bước phát triển tích cực và quan trọng: Nga xác nhận tiếp tục tham gia Sáng kiến Biển Đen trong 60 ngày nữa. Tôi hoan nghênh quyết định này" - ông Guterres nói, đồng thời nhấn mạnh “sự tiếp tục này là một thông tin tốt cho thế giới”.
Phát biểu trước các phóng viên từ trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ), ông Guterres lưu ý rằng vẫn còn nhiều vấn đề còn tồn tại; tuy nhiên, các đại diện của Nga, Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hợp quốc sẽ tiếp tục thảo luận về những nội dung này. "Tôi hy vọng chúng ta sẽ đạt được một thỏa thuận toàn diện để cải thiện, mở rộng và gia hạn Sáng kiến, như tôi đã đề xuất trong một bức thư gần đây gửi cho Tổng thống của 3 nước trên" – người đứng đầu Liên hợp quốc nói.
Theo quan điểm của ông Guterres, tầm quan trọng của Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen cùng Biên bản ghi nhớ song song giữa Liên hợp quốc và Nga nhằm tạo thuận lợi cho xuất khẩu lương thực và phân bón của Nga là “không thể phủ nhận”. “Những thỏa thuận này đóng vai trò quan trọng đối với an ninh lương thực toàn cầu. Những mặt hàng thực phẩm từ Nga và Ukraine đang giúp nuôi sống nhiều người trên thế giới” – ông Guterres nhấn mạnh.
Theo số liệu thống kê do người đứng đầu Liên hợp quốc công bố ngày 17/5, hơn 30 triệu tấn lương thực đã được xuất khẩu ra thị trường thế giới theo Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen. Các nguồn cung cấp thực phẩm quan trọng đang tiếp cận với những người và những khu vực dễ bị tổn thương nhất trên thế giới, trong đó gồm cả 30.000 tấn lúa mì vừa được xuất khỏi Ukraine để cung cấp cho những người lâm vào tình cảnh đói kém ở Sudan.
Ông Guterres lưu ý rằng trong năm 2022, thị trường lương thực thế giới đã có dấu hiệu ổn định, ít xảy ra biến động, trong khi giá lương thực toàn cầu giảm 20%.
"Nhìn về phía trước, chúng tôi hy vọng rằng các hoạt động xuất khẩu thực phẩm và phân bón, bao gồm cả amoniac, từ Liên bang Nga và Ukraine sẽ có thể tiếp cận chuỗi cung ứng toàn cầu một cách an toàn và có thể dự đoán được như đã được đề cập tới trong cả Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen và Biên bản ghi nhớ về xuất khẩu lương thực, phân bón của Nga được thực hiện dưới cam kết hỗ trợ đầy đủ từ Liên hợp quốc” – ông Guterres nói.
Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen được Nga và Ukraine ký riêng với Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hợp quốc lần đầu ngày 22/7/2022 và có hiệu lực trong 120 ngày; sau đó, được gia hạn 2 lần vào tháng 11/2022 (thêm 120 ngày) và tháng 3 năm nay (thêm 60 ngày, tới 18/5/2023).
Chỉ một ngày trước khi thỏa thuận hết hiệu lực, ngày 17/5, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan thông báo Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen sẽ được gia hạn thêm 2 tháng nhờ vào những nỗ lực của các nhà lãnh đạo Nga, Ukraine và Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres.
Cũng trong ngày 17/5, Phó Thủ tướng Ukraine Oleksandr Kubrakov đã ra tuyên bố trên mạng xã hội hoan nghênh việc Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen được duy trì trong 2 tháng tới.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cũng lên tiếng xác nhận Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen được gia hạn thêm 2 tháng nhằm hỗ trợ các nước đang gặp khó khăn. “Chúng tôi xác nhận thông báo của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ về việc Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen được gia hạn thêm hai tháng. Đây là cơ hội giúp đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu, không phải bằng lời nói mà bằng hành động, trước hết là giúp đỡ các quốc gia cần tới những nỗ lực này nhất” – bà Zakharova nói.
Tuy nhiên, phát ngôn viên này cũng lưu ý thêm rằng đánh giá chung của Nga về tình hình liên quan tới thỏa thuận vẫn không thay đổi. Những điều được Moscow đánh giá là "sự mất cân bằng" trong việc thực hiện Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen nên được "điều chỉnh càng sớm càng tốt”./.