|
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. (Ảnh: UN) |
Ngày 27/6, Hội nghị đại dương Liên hợp quốc lần thứ hai đã khai mạc tại thành phố Lisbon, Bồ Đào Nha. Do Bồ Đào Nha và Kenya đồng tổ chức, Hội nghị là một diễn đàn để giải quyết những thách thức mà đại dương, biển và các nguồn tài nguyên biển trên thế giới đang phải đối mặt.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã đưa ra 4 khuyến nghị nhằm đảo ngược tiến trình của các sự kiện. Trong số này, người đứng đầu Liên hợp quốc nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về đầu tư bền vững vào các nền kinh tế phụ thuộc vào biển.
Nhấn mạnh rằng đại dương "kết nối tất cả chúng ta", Tổng thư ký cho rằng, không thể tự mãn, nhân loại ngày nay phải đối mặt với một "tình trạng khẩn cấp về đại dương" và thủy triều phải thay đổi. “Việc chúng ta không quan tâm đến đại dương sẽ gây ra hậu quả cho toàn bộ chương trình nghị sự năm 2030” – ông Guterres nhấn mạnh.
Tại Hội nghị Đại dương của Liên hợp quốc cách đây 5 năm ở New York, các đại biểu đã kêu gọi đảo ngược sự suy giảm sức khỏe của đại dương. Người đứng đầu Liên hợp quốc lập luận rằng kể từ đó, các hiệp ước mới đang được đàm phán để giải quyết cuộc khủng hoảng rác thải nhựa toàn cầu, cũng như các tiến bộ khoa học, phù hợp với các khuyến nghị của Thập kỷ Hải dương học Liên hợp quốc về Phát triển bền vững (2021 - 2030). “Nhưng chúng ta đừng ảo tưởng. Chúng ta phải làm nhiều hơn nữa, tất cả cùng nhau” – ông Guterres nhấn mạnh trước khi đưa ra 4 khuyến nghị chính.
Ông Guterres kêu gọi các bên liên quan đầu tư vào các nền kinh tế đại dương bền vững trong lĩnh vực thực phẩm, năng lượng tái tạo và sinh kế, thông qua tài chính dài hạn.
Tổng thư ký Liên hợp quốc nhắc lại rằng trong số tất cả 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs), mục tiêu thứ 14, liên quan đến bảo tồn đại dương, đã nhận được ít sự ủng hộ nhất trong tất cả các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs). Nhưng “quản lý đại dương bền vững có thể giúp đại dương sản xuất ra lượng lương thực nhiều hơn gấp 6 lần và tạo ra năng lượng tái tạo nhiều hơn gấp 40 lần so với hiện tại” – Tổng thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh. Theo ông, "đại dương phải trở thành một hình mẫu cho việc quản lý các điểm chung toàn cầu, trong đó liên quan đến việc ngăn ngừa và giảm thiểu ô nhiễm môi trường biển thuộc mọi loại, cho dù trên đất liền hay dưới biển". Điều này có nghĩa là tăng cường các biện pháp bảo tồn dựa trên khu vực hiệu quả, cũng như quản lý tổng hợp vùng ven biển.
Người đứng đầu Liên hợp quốc cũng kêu gọi bảo vệ nhiều hơn các đại dương và những người có cuộc sống và sinh kế phụ thuộc vào chúng, bằng cách giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và đầu tư vào cơ sở hạ tầng ven biển thích ứng với khí hậu. “Ngành vận tải biển nên cam kết không phát thải ròng vào năm 2050 và đưa ra các kế hoạch đáng tin cậy để thực hiện các cam kết này. Và chúng ta nên đầu tư nhiều hơn vào việc khôi phục và bảo tồn các hệ sinh thái ven biển, chẳng hạn như rừng ngập mặn, đất ngập nước và các rạn san hô” – ông Guterres nhấn mạnh.
Kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên tham gia sáng kiến được đưa ra gần đây để đạt được mục tiêu về một hệ thống cảnh báo sớm toàn cầu trong vòng 5 năm, Tổng thư ký Liên hợp quốc cho biết điều này sẽ giúp tiếp cận các cộng đồng ven biển và những người có sinh kế phụ thuộc vào các biện pháp bảo vệ cảnh báo sớm trên biển.
Thêm vào đó, ông Guterres nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường khoa học và đổi mới để viết một “chương mới trong hành động toàn cầu vì đại dương”. Nhà lãnh đạo cấp cao của Liên hợp quốc kêu gọi mọi người tham gia mục tiêu lập bản đồ 80% đáy biển vào năm 2030. “Tôi khuyến khích khu vực tư nhân tham gia các quan hệ đối tác hỗ trợ nghiên cứu đại dương và quản lý bền vững. Và tôi kêu gọi các chính phủ nâng cao mức độ tham vọng của họ trong việc khôi phục các đại dương trong lành” – ông nêu rõ.
|
Đại dương có vai trò quan trọng đối với sự sống của con người. (Ảnh: Khánh Linh) |
Về phần mình, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Abdulla Shahid cho biết đại dương kết nối tất cả chúng ta và Hội nghị sẽ là cơ hội để thể hiện các cam kết toàn cầu. Là một người Maldives, ông nói: “Tôi là đứa con của đại dương (...) tất cả nhân loại phụ thuộc vào đại dương vì một nửa lượng oxy mà chúng ta hít thở. Đó là lý do tại sao chúng ta ở đây trong tuần này, để bảo vệ nguồn tài nguyên đã cưu mang chúng ta trong suốt sự tồn tại của mình”.
Trong khi đó, Tổng thống Bồ Đào Nha Marcelo Rebelo de Sousa cũng kêu gọi vẽ bản đồ các vùng biển và tăng đầu tư giáo dục về môi trường. Ông Sousa nói: “Hội nghị tại Lisbon lần này không chỉ là một dấu hiệu cho thấy vẫn còn cơ hội cho hòa bình, chủ nghĩa đa phương, đối thoại, hợp tác, mà còn là dấu hiệu cho thấy chúng ta sẽ hành động nhanh hơn nữa”.
Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa đưa ra cam kết xếp loại 30% khu vực biển quốc gia vào năm 2030 và đưa toàn bộ các vựa cá của quốc gia vào giới hạn sinh thái bền vững. Ông Costa cho biết: “Chính phủ Bồ Đào Nha sẽ tiếp tục đầu tư vào sáng kiến Trung tâm Không gian, như một mạng lưới hợp tác khoa học giữa các nước và các viện nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực như không gian, quan sát khí quyển, các đại dương, khí hậu và năng lượng”.
Hội nghị đại dương Liên hợp quốc lần thứ hai tại Lisbon sẽ kéo dài trong 5 ngày, với sự tham gia của các Bộ trưởng và một số nguyên thủ quốc gia, trong đó có Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Mặc dù đây không phải là một hội nghị chính thức, nhưng các bên tham gia sẽ thúc đẩy xây dựng những chương trình nghị sự mạnh mẽ về đại dương tại 2 hội nghị thượng đỉnh quan trọng vào cuối năm nay: Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) tại Ai Cập trong tháng 11, và Hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia Công ước khung về Đa dạng sinh học (COP15) tại Canada trong tháng 12./.