|
|
Một nhân viên nhân đạo của UNHCR chăm sóc em bé trong một trung tâm y tế do Liên hợp quốc hỗ trợ ở khu vực phía Bắc Burkina Faso. (Ảnh: UN) |
Tổng thư ký António Guterres đã kêu gọi cộng đồng quốc tế "giải tỏa nỗi đau khổ của những người bị chiến tranh, xung đột hoặc các cuộc đàn áp đuổi ra khỏi chính ngôi nhà của họ". Người đứng đầu Liên hợp quốc tái khẳng định quyền con người của người tị nạn "tại thời điểm quyền tị nạn đang bị tấn công, khi rất nhiều cánh cửa bị đóng lại đối với người tị nạn, và khi có rất nhiều trẻ em tị nạn bị giam giữ và chia tách khỏi gia đình".
Tuy nhiên, theo ông, ở mọi nơi và mọi lúc, vẫn luôn có người sẵn sàng cung cấp nơi nương tựa cho người bên cạnh họ, chỉ vì ý thức về nghĩa vụ và tình nhân loại. "Đoàn kết có nguồn gốc sâu xa" trong tính cách con người – ông Guterres nêu rõ. Và trong nghĩa vụ đoàn kết với những người dễ bị tổn thương này, "Hiệp ước toàn cầu về người tị nạn đại diện cho lộ trình của chúng ta". Và Diễn đàn người tị nạn toàn cầu ở Geneva chính là một cơ hội để truyền năng lượng và tính năng động trong việc thực hiện Hiệp ước này.
Theo người đứng đầu Liên hợp quốc, "giờ là lúc cho tham vọng". Ông kêu gọi các đại biểu có mặt tại Diễn đàn có những hành động cụ thể và rõ nét hơn nữa. Ông kêu gọi "từ bỏ một mô hình hỗ trợ", vốn được đưa ra quá thường xuyên khiến cuộc sống của những người tị nạn bị trì trệ trong nhiều thập kỷ. Họ bị giam cầm trong các trại tị nạn, sống qua ngày, mà không thể phát triển hay đóng góp cho xã hội.
Do đó, vấn đề đặt ra là cộng đồng quốc tế phải hành động để thực sự nâng cao khả năng tiếp cận với giáo dục, sinh kế và năng lượng, để tăng cường khả năng phục hồi của người tị nạn và cộng đồng chủ nhà tiếp nhận họ, để bảo vệ không gian nhân đạo và tiếp cận cho những người có nhu cầu và tăng cường các dịch vụ, đặc biệt là các dịch vụ cho nạn nhân của bạo lực tình dục hoặc giới tính.
Tuy nhiên, để người tị nạn có thể hội nhập tốt hơn, nhà lãnh đạo cấp cao của Liên hợp quốc xác định rằng sẽ cần phải "xây dựng các liên minh khác nhau" từ các quốc gia, đến người tị nạn và người không quốc tịch, thông qua các tổ chức quốc tế và khu vực, lãnh đạo doanh nghiệp, tổ chức tài chính và đại diện của xã hội dân sự, các tổ chức tôn giáo, nghệ thuật và thể thao. Mục tiêu là cho phép những người này truy cập các dịch vụ công cộng ở các quốc gia xuất xứ, các quốc gia quá cảnh và các quốc gia tiếp nhận.
"Chúng tôi đứng về phía những người tị nạn" – Tổng thư ký Liên hợp quốc nhắc lại, đồng thời kêu gọi mọi người cùng làm mọi thứ có thể để ngay hôm nay, "tinh thần nhân đạo này không chịu khuất phục trước những đòn đánh của kẻ thù hung dữ". "Chúng tôi không thể bỏ người tị nạn đến tuyệt vọng hoặc để các nước chủ nhà tiếp nhận họ phải chịu trách nhiệm một mình" – ông Guterres nhấn mạnh, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế phải làm nhiều hơn nữa để cùng nhau nhận trách nhiệm này.
Hối thúc các nước giàu hơn chia sẻ trách nhiệm
Diễn đàn người tị nạn toàn cầu diễn ra đúng một năm sau khi Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua cơ chế nhằm đảm bảo cách tiếp cận công bằng trong việc hỗ trợ người tị nạn và những cộng đồng tiếp nhận người di cư. Đây là lần đầu tiên một sự kiện như trên diễn ra, với sự tham gia của lãnh đạo các nước, các bộ trưởng, lãnh đạo doanh nghiệp, và cả người tị nạn nhằm mục đích đề xuất ý tưởng và đưa ra các cam kết hỗ trợ hiệu quả hơn.
Trong bối cảnh đó, Tổng thư ký Liên hợp quốc kêu gọi cộng đồng quốc tế làm nhiều hơn nữa để cùng nhau gánh vác gánh nặng của người di dời, vốn đang có số lượng đông đảo hơn bao giờ hết. "Đã đến lúc phải đối phó công bằng hơn với các cuộc khủng hoảng tị nạn bằng cách chia sẻ trách nhiệm" – ông Guterres khẳng định.
Theo nhà lãnh đạo Antonio Guterres, các nước đang phát triển chào đón đại đa số người tị nạn một cách đáng ngưỡng mộ và phải được hỗ trợ nhiều hơn. Vì vậy, hơn bao giờ hết, chúng ta cần sự hợp tác quốc tế và các phản ứng cụ thể và hiệu quả. Chúng ta cần phải giúp đỡ tốt hơn cho những người bị buộc phải chạy trốn và hỗ trợ tốt hơn cho các cộng đồng và quốc gia chào đón, tiếp nhận họ.
Với kỷ lục hơn 70 triệu người di dời trong năm 2018, trong đó có 25 triệu người tị nạn, "triển vọng thật ảm đạm" – Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn Filippo Grand lưu ý, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế đừng nhắm mắt trước thực tế cuộc khủng hoảng tị nạn. "Môi trường bảo vệ hiện tại rất phức tạp và đáng lo ngại. Chúng tôi thấy nhiều người tị nạn phải chạy trốn để cứu lấy cuộc sống của mình và biến thành nỗi sợ hãi" – ông cho biết.
Các quan chức cấp cao của Liên hợp quốc cùng lên tiếng yêu cầu cộng đồng quốc tế vạch ra một con đường "làm bằng sự táo bạo và hữu dụng" để mang lại sự bảo vệ và nhân phẩm cho hàng triệu người tị nạn. Bởi vì bất chấp những nỗ lực của – Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn và các nhân viên nhân đạo, vẫn còn nhiều việc phải làm: Người tị nạn vẫn còn rất nhiều, sự thù hận vẫn không lắng xuống, các tiêu chuẩn và quy tắc lâu đời vẫn bị đe dọa./.