Liên hợp quốc kêu gọi gia hạn Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen

Thứ ba, 16/05/2023 15:25
(ĐCSVN) – Ngày 15/5, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách các vấn đề nhân đạo và cứu trợ khẩn cấp Martin Griffiths đã kêu gọi tiếp tục gia hạn Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen, cho phép xuất khẩu ngũ cốc Ukraine và các sản phẩm nông nghiệp khác để góp phần bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu.
Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách các vấn đề nhân đạo và cứu trợ khẩn cấp Martin Griffiths phát biểu trực tuyến trong phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, ngày 15/5/2023. (Ảnh: Xinhua) 

Phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, ông Griffiths nhấn mạnh, thực phẩm được xuất khẩu theo Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen cùng các mặt hàng thực phẩm, phân bón xuất khẩu từ Nga tiếp tục đóng góp quan trọng vào an ninh lương thực toàn cầu. Đến nay, hơn 30 triệu tấn hàng hóa đã được xuất khẩu an toàn từ Ukraine theo Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen.

Ông Griffiths cho biết các mặt hàng xuất khẩu bao gồm khoảng 600.000 tấn lúa mì do Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) vận chuyển, hỗ trợ trực tiếp cho các hoạt động nhân đạo ở Afghanistan, Ethiopia, Kenya, Somalia và Yemen.

Quan chức này dẫn số liệu phân tích mới nhất của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) chỉ ra rằng giá ngũ cốc toàn cầu đã giảm gần 20% trong 12 tháng qua. Vào tháng trước, giá lúa mì quốc tế đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 7/2021. "Đây là tiến bộ không thể phủ nhận. Nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm. Chúng ta tiếp tục cần đến các guồn cung cấp có thể dự đoán trước cho các hoạt động hỗ trợ nhân đạo về lương thực” - ông Griffiths nói.

Phát biểu cùng ngày, quan chức của Liên hợp quốc cũng lưu ý thêm rằng, Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen đề cập đến việc xuất khẩu amoniac của Nga từ cảng Odessa của Ukraine. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa được thực hiện. Trong tháng qua, khối lượng hàng xuất khẩu di chuyển ra khỏi các cảng Biển Đen của Ukraine đã giảm do những vấn đề phát sinh trong khuôn khổ Trung tâm điều phối chung ở Istanbul – vốn được thành lập theo Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen. Ông Griffiths nêu rõ: “Trong những tuần gần đây, nhất là vào tuần trước, chúng tôi đã tham gia vào các cuộc thảo luận chuyên sâu với các bên tham gia Sáng kiến Biển Đen, để đạt được thỏa thuận về việc mở rộng và đưa ra những thay đổi cần thiết để sáng kiến này được triển khai hiệu quả và có thể dự đoán được".

 Một nhóm đại diện Trung tâm điều phối chung (JCC) kiểm tra con tàu chở ngũ cốc đầu tiên rời Ukraine ở lối vào phía Tây Bắc của eo biển Bosphorus ngày 3/8/2022. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ/Tân Hoa xã) 

Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen được Nga và Ukraine ký riêng với Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hợp quốc lần đầu ngày 22/7/2022 và có hiệu lực trong 120 ngày; sau đó, được gia hạn 2 lần vào tháng 11/2022 (thêm 120 ngày) và tháng 3 năm nay (thêm 60 ngày). Nếu không được tiếp tục gia hạn, thỏa thuận sẽ hết hạn vào ngày 18/5 tới. Tuần trước, Nga, Ukaine, Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hợp quốc đã tiến hành một cuộc họp cấp cao 4 bên ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) để thảo luận về việc mở rộng Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen. Về phía Nga đã nhiều lần đã cảnh báo về kịch bản sẽ không tiếp tục gia hạn thỏa thuận sau thời điểm 18/5, với lý do rằng hoạt động xuất khẩu của nước này đang bị cản trở.

Liên quan tới vấn đề này, ông Griffiths cho biết những nỗ lực đó sẽ tiếp tục trong những ngày tới. "Việc duy trì Sáng kiến Biển Đen là cực kỳ quan trọng, cũng như cam kết của các bên, nhằm triển khai sáng kiến một cách trơn tru và hiệu quả. Chúng tôi sẽ tiếp tục kêu gọi tất cả các bên thực hiện trách nhiệm của mình khi thế giới đang theo dõi chặt chẽ các diễn biến" - ông Griffiths nói. “Rõ ràng là người dân Ukraine và hàng triệu người trên khắp thế giới không thể chấp nhận việc tiếp diễn cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Hơn bao giờ hết, các bên cần chấm dứt chiến sự và tìm kiếm một giải pháp chính trị để chấm dứt xung đột…”- ông Griffiths cho biết. Quan chức này cũng lưu ý thêm rằng, Liên hợp quốc và các đối tác nhân đạo vẫn cam kết bảo vệ cuộc sống và nhân phẩm của những người bị ảnh hưởng bởi chiến tranh và theo đuổi hòa bình.

Theo số liệu thống kê của Liên hợp quốc, gần 3,6 triệu người Ukraine đã nhận được hỗ trợ nhân đạo trong quý đầu tiên của năm 2023. Con số này bao gồm những người được hỗ trợ tiền mặt, thực phẩm, chăm sóc sức khỏe và hỗ trợ sinh kế. Ông Griffiths cho biết, khoảng 43 đoàn xe đã vận chuyển đồ tiếp tế cho khoảng 280.000 người ở các khu vực tiền tuyến, trong khi các đối tác địa phương đảm nhiệm khâu phân phối hàng viện trợ.

"Điều cấp thiết là chúng tôi phải đưa ra tất cả các phương án để tiếp cận thường dân, bất kể họ ở đâu… Theo luật nhân đạo quốc tế, tất cả các bên phải cho phép hoạt động cứu trợ nhân đạo diễn ra an toàn, nhanh chóng và không bị cản trở đối với dân thường gặp khó khăn, đồng thời phải đảm bảo rằng nhân viên hỗ trợ nhân đạo có quyền tự do đi lại để thực hiện công việc cần thiết. Tôi kêu gọi các bên củng cố và tăng cường các nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi để chúng tôi có thể tiếp cận tất cả thường dân đang cần cứu trợ” – ông Griffiths nhấn mạnh./.

T.Lan (Theo Xinhua, The national news)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực