Liên hợp quốc kêu gọi hành động chống biến đổi khí hậu

Thứ ba, 07/09/2021 10:57
(ĐCSVN) – Trong bối cảnh các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng ảnh hưởng đến toàn thế giới, ngày 6/9, Liên hợp quốc nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hạn chế mức tăng nhiệt độ đến mục tiêu đã thống nhất là 1,5 độ C so với mức của thời kỳ tiền công nghiệp.

Phát biểu trực tuyến tại Đối thoại về tăng tốc các giải pháp thích ứng trước Hội nghị khí hậu thường niên của Liên hợp quốc (COP26) sẽ được tổ chức tại Glasgow (Anh) vào tháng 11 tới, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc Amina Mohammed lưu ý những tác động đã có thể thấy được của hiện tượng biến đổi khí hậu.

Theo bà Amina Mohammed, cả hành tinh đang trải qua một mùa hỏa hoạn và lũ lụt, trong đó chủ yếu ảnh hưởng đến các nhóm dân cư dễ bị tổn thương ở các nước giàu cũng như các nước nghèo. “Các quốc gia và người dân trên khắp thế giới - đặc biệt là những quốc gia dễ bị tổn thương nhất và ít chịu trách nhiệm nhất đối với cuộc khủng hoảng khí hậu - sẽ còn hứng chịu những hậu quả tàn khốc hơn nữa” – bà cảnh báo. "Các tác động sẽ lan rộng đến các nền kinh tế, cộng đồng và hệ sinh thái, xóa bỏ thành quả phát triển, làm trầm trọng thêm tình trạng nghèo đói, gia tăng di cư và làm trầm trọng thêm căng thẳng".

Hạn chế mức tăng nhiệt độ đến mục tiêu đã thống nhất là 1,5 độ C so với mức của thời kỳ tiền công nghiệp. (Ảnh minh họa: Khánh Linh)

Công bằng khí hậu

Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc Amina Mohammed cho biết với "những bước đi táo bạo và quyết đoán" hướng tới mức phát thải ròng khí carbon dioxide (CO2) về 0 vào năm 2050, thế giới vẫn có thể hạn chế sự nóng lên toàn cầu dưới 1,5 độ C. “Hành động bây giờ là về công bằng khí hậu. Và chúng tôi có các giải pháp” – bà nêu rõ.

Trong khi "đầu tư gia tăng lớn" cho thích ứng và khả năng chống chịu là "tối quan trọng" đối với những người ở tuyến đầu của cuộc khủng hoảng khí hậu, bà chỉ ra rằng cho đến nay, chỉ có 21% nguồn tài chính đầu tư khí hậu được dành cho các nỗ lực thích ứng. "Trong số 70 tỷ USD mà các nước đang phát triển cần để thích ứng, chỉ một phần nhỏ được cung cấp" – Phó Tổng thư ký cho biết và nói rõ thêm rằng chi phí thích ứng đối với các nước đang phát triển có thể lên tới 300 tỷ USD mỗi năm vào năm 2030.

Ngoài việc là mệnh lệnh đạo đức, cũng có những lập luận kinh tế rõ ràng cho việc đầu tư sớm vào việc thích ứng và xây dựng khả năng phục hồi. “Cuộc sống sẽ được cứu và sinh kế được bảo vệ” – quan chức của Liên hợp quốc nhấn mạnh, đồng thời lưu ý rằng đây là lý do tại sao Tổng thư ký kêu gọi các nhà tài trợ và các ngân hàng phát triển đa phương phân bổ 50% tổng kinh phí cho các đối tượng khí hậu để thích ứng và chống chịu.

Khó khăn trong việc tiếp cận nguồn tài chính

Tuy nhiên, các quốc gia cần hỗ trợ này tiếp tục phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng trong việc tiếp cận nguồn tài chính khí hậu.

Bà Mohammed nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đơn giản hóa các quy tắc và tạo điều kiện tiếp cận cho các nước kém phát triển nhất, các quốc đảo nhỏ đang phát triển và các quốc gia dễ bị tổn thương khác, đồng thời thúc đẩy các sáng kiến, chẳng hạn như Chương trình tăng tốc thích ứng tại châu Phi, do Trung tâm Thích ứng Thế giới và Ngân hàng Phát triển Châu Phi cùng phát triển. Theo bà, chương trình có tiềm năng tạo ra các kết quả nhanh chóng và mang tính chuyển đổi nhằm bảo vệ cuộc sống và sinh kế cũng như khuyến khích các hành động chống chịu với khí hậu nhằm giải quyết các tác động của COVID-19, biến đổi khí hậu và nền kinh tế. "Tôi hoan nghênh sự hỗ trợ rất cần thiết này cho người châu Phi" – bà nói.

Vào thời điểm chỉ còn chưa đầy 80 ngày sẽ diễn ra COP26, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc kêu gọi những người tham gia "hãy mạnh dạn hành động ngay bây giờ vì con người và hành tinh trước khi quá muộn". “Chúng ta phải ứng phó với khủng hoảng khí hậu bằng tinh thần đoàn kết. Thích ứng có thể không còn là một nửa bị bỏ quên của phương trình khí hậu” – bà Mohammed nhấn mạnh.

Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) tới đây sẽ giải quyết các vấn đề chính liên quan đến Thỏa thuận Paris về khí hậu như cam kết hỗ trợ tài chính từ các quốc gia gây ô nhiễm giàu có hơn cho những quốc gia nghèo hơn, dễ bị tổn thương hơn, cũng như cắt giảm lượng khí thải và đặt ra các mục tiêu không phát thải mới…/.

Khánh Linh (Theo UN, AFP, Maxisciences)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực