|
Những người phụ nữ chờ con mình được kiểm tra suy dinh dưỡng tại một phòng khám ở tỉnh Balkh, Afghanistan. (Ảnh: WFP) |
Theo Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu, tổng hợp các cuộc khủng hoảng hiện có gây ra bởi các cú sốc khí hậu, xung đột và áp lực kinh tế, đã đẩy số người đói trên thế giới từ 282 triệu lên 345 triệu người chỉ tính riêng trong những tháng đầu của năm 2022. Trong 3 năm qua, số lượng thiếu đói đều không ngừng lên “những đỉnh cao mới”.
Trong tuyên bố được đưa ra, Giám đốc điều hành WFP David Beasley cho biết: “Hãy nói rõ: mọi thứ có thể và sẽ trở nên tồi tệ hơn trừ khi có một nỗ lực phối hợp trên quy mô lớn để giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của cuộc khủng hoảng này. Chúng ta không thể có thêm một năm đói kỷ lục nữa”.
Mức độ báo động về tình trạng mất an ninh lương thực ở vùng Sừng châu Phi
WFP và các đối tác nhân đạo đang kiềm chế nạn đói ở 5 quốc gia: Afghanistan, Ethiopia, Somalia, Nam Sudan và Yemen. Thông thường, xung đột khiến những người dễ bị tổn thương nhất rơi vào nạn đói thảm khốc, với thông tin liên lạc bị gián đoạn, tiếp cận nhân đạo bị hạn chế và các cộng đồng phải di dời.
Theo cơ quan Liên hợp quốc có trụ sở tại Rome, xung đột ở Ukraine cũng đã làm gián đoạn thương mại toàn cầu, làm tăng chi phí vận chuyển và thời gian giao hàng, đồng thời khiến nông dân không được tiếp cận với các đầu vào nông nghiệp mà họ cần. WFP cảnh báo hiệu ứng đối với các vụ thu hoạch trong tương lai sẽ rất lớn và xảy ra trên khắp thế giới.
Hơn nữa, các cú sốc khí hậu ngày càng thường xuyên và dữ dội, khiến những người bị ảnh hưởng không có thời gian để phục hồi giữa các thảm họa. Một đợt hạn hán chưa từng có ở vùng Sừng châu Phi đang đẩy ngày càng nhiều người đến mức báo động về tình trạng mất an ninh lương thực, với nạn đói hiện đã được dự báo ở Somalia.
Con số kỷ lục 153 triệu người cần trợ giúp trên toàn thế giới
Theo Chương trình Lương thực Thế giới, trong cùng thời gian này, lũ lụt đã tàn phá nhà cửa và đất nông nghiệp ở một số quốc gia, bao gồm cả Pakistan.
Trong khi đó, khả năng ứng phó của các chính phủ bị hạn chế bởi những khó khăn kinh tế của chính họ - đồng tiền mất giá, lạm phát, nợ nần chồng chất - khi mối đe dọa của một cuộc suy thoái toàn cầu cũng gia tăng. Do đó, ngày càng nhiều người sẽ không thể kiếm được thức ăn và sẽ cần hỗ trợ nhân đạo để đáp ứng các nhu cầu cơ bản.
Trong những điều kiện này, WFP đã sửa đổi mục tiêu viện trợ lương thực tăng lên để đạt con số kỷ lục 153 triệu người vào năm 2022. Vào cuối nửa đầu năm nay, cơ quan Liên hợp quốc đã viện trợ cho hơn 111 triệu người.
“Chúng ta đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu chưa từng có và có mọi lý do để tin rằng chúng ta chưa chứng kiến điều tồi tệ nhất” – ông Beasley nhấn mạnh.
2/5 người Afghanistan được WFP hỗ trợ
Nói rộng hơn, kế hoạch hoạt động của WFP cho năm 2022 là kế hoạch tham vọng nhất mà cơ quan này từng phát triển. Kể từ đầu năm đến nay, WFP đã tăng gấp 6 lần viện trợ cho Sri Lanka để ứng phó với cuộc khủng hoảng kinh tế, phát động ứng phó lũ lụt khẩn cấp ở Pakistan và mở rộng hoạt động lên mức kỷ lục ở Somalia, khi nạn đói đe dọa.
Tại Afghanistan, cứ 5 người Afghanistan thì có 2 người được hưởng lợi từ sự hỗ trợ của WFP. WFP cũng đã khởi động một hoạt động khẩn cấp ở Ukraine và mở một văn phòng mới ở Moldova để hỗ trợ các gia đình phải chạy trốn khỏi xung đột.
WFP nhấn mạnh tình hình nạn đói gia tăng đòi hỏi phải có hành động chung toàn cầu vì hòa bình, ổn định kinh tế và tiếp tục hỗ trợ nhân đạo để đảm bảo an ninh lương thực trên toàn thế giới./.