|
Nhân viên cứu trợ của Liên hợp quốc tại Sudan. (Ảnh: Sudan Tribune) |
Ông Dujarric cho biết hiện có khoảng 68 đối tác nhân đạo, gồm các tổ chức của Liên hợp quốc, các tổ chức phi chính phủ của Sudan và quốc tế, Hội trăng lưỡi liềm đỏ đang làm nhiệm vụ trên tất cả 18 bang của Sudan.
Trong khi đó, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã cung cấp hơn 2.500 tấn vật tư y tế, dinh dưỡng, nước và dụng cụ vệ sinh, kể cả ở những khu vực giao tranh vẫn còn tiếp diễn. Theo tính toán, các hoạt động viện trợ của UNICEF sẽ mang lại lợi ích cho ít nhất 1,6 triệu trẻ em Sudan. Cụ thể, ông Dujarric cho biết hơn 600 tấn hàng viện trợ dinh dưỡng đã được chuyển đến 11 bang của Sudan. Số dinh dưỡng viện trợ này đủ để UNICEF cùng các đối tác điều trị cho hơn 45.000 trẻ em bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng ở Sudan trong những tháng tới.
Phát ngôn viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc cho biết, kể từ khi bạo lực nổ ra ở Sudan từ trung tuần tháng 4/2023, cơ quan tị nạn của Liên hợp quốc đã dựng gần 1.000 lều ở các bang White Nile, Kassala, Gedaref và Bắc Darfur để hỗ trợ người dân trong trường hợp cần thiết.
"Chúng tôi cũng đang hỗ trợ phản ứng ở các nước láng giềng để tiếp nhận những người chạy trốn khỏi bạo lực ở Sudan. Cuối tuần qua, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chuyển 10 tấn thuốc thiết yếu và vật tư y tế đến Ai Cập. Số hàng viện trợ đó đủ để điều trị cho 50.000 người mới tị nạn mắc phải các bệnh không lây nhiễm và suy dinh dưỡng cấp tính nghiêm trọng”- ông Dujarric nói.
Theo lý giải của ông Dujarric thì Liên hợp quốc và các đối tác nhân đạo có thể cung cấp viện trợ cho từng trường hợp, tùy thuộc vào diễn biến tình hình khu vực.
"Chúng tôi muốn chứng kiến sự chấm dứt đầy đủ và hoàn toàn các hành động thù địch để chúng tôi không phải thương lượng trên cơ sở từng trường hợp cụ thể để được tiếp cận viện trợ. Chúng tôi muốn thấy các bên ở Sudan ngừng giao tranh để chúng tôi có thể thực sự giúp đỡ người dân Sudan ở quy mô cần thiết" - ông Dujarric nói.
Xung đột bùng phát giữa Lực lượng vũ trang Sudan và Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) từ ngày 15/4 cho tới nay đã khiến hơn 1,2 triệu người dân Sudan phải rời bỏ nhà cửa và hàng trăm nghìn người khác chạy tị nạn sang các nước láng giềng. Tình hình càng trở nên nghiêm trọng hơn khi các cơ quan của Liên hợp quốc cảnh báo số người chết do bạo lực ngày càng tăng, cùng với đó là các hành vi cướp bóc viện trợ nhân đạo đang diễn ra tràn lan ở Sudan.
Ông Patrick Elliott - người đứng đầu các hoạt động tại Sudan của Liên đoàn Chữ thập đỏ Quốc tế (IFRC) cho biết tình hình "đặc biệt tuyệt vọng" ở Khartoum, nơi nhiều người không thể trốn chạy và bị mắc kẹt trong bạo lực. Trong khi đó, đại diện của WHO - ông Tarik Jašarević lại lưu ý thêm rằng, những con số được cung cấp từ Bộ Y tế Sudan về số người thiệt mạng do xung đột vẫn thấp hơn thực tế./.