Liên hợp quốc viện trợ khẩn cấp 100 triệu USD chống lại nạn đói

Thứ tư, 18/11/2020 15:30
(ĐCSVN) – Người đứng đầu Văn phòng Điều phối các Vấn đề Nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) ngày 17/11 đã phân bổ 100 triệu USD để giúp người dân tự nuôi sống bản thân tại 7 quốc gia có nguy cơ phải gánh chịu nạn đói nhất.
leftcenterrightdel
 Trong một trung tâm điều trị tại một bệnh viện ở Sana'a, một bác sĩ đo cánh tay của cậu bé 12 tuổi người Yemen Ali Mohammed Ahmed Jamal, bị suy dinh dưỡng. (Ảnh: UN)

100 triệu USD này được trích từ Quỹ Ứng phó Khẩn cấp Trung ương của Liên hợp quốc (CERF) nhằm ứng phó với "nạn đói ngày càng gia tăng" do xung đột, suy giảm kinh tế, biến đổi khí hậu và đại dịch COVID-19.

Khoản 80 triệu USD sẽ nhanh chóng được cung cấp để giúp đỡ người dân Afghanistan, Burkina Faso, Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC), Nigeria, Nam Sudan và Yemen. Một khoản tiền trị giá 20 triệu USD được dành cho hành động ngăn chặn nạn đói ở Ethiopia, nơi hạn hán có thể làm trầm trọng thêm tình hình vốn đã rất mong manh.

Khoản tài trợ khẩn cấp này được đưa ra cùng thời điểm Liên hợp quốc cảnh báo: Nếu không có hành động ngay lập tức, nạn đói có thể trở thành hiện thực trong những tháng tới ở các vùng của Burkina Faso, Đông Bắc Nigeria, Yemen và Nam Sudan. Tại các khu vực của Nam Sudan, đây sẽ là lần đầu tiên nạn đói được tuyên bố kể từ năm 2017.

Trong tuyên bố được đưa ra, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc phụ trách Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo Mark Lowcock nhấn mạnh: "Viễn cảnh quay trở lại một thế giới nơi nạn đói hoành hành sẽ rất đau lòng và mờ mịt trong một thế giới nơi có nhiều thức ăn cho mọi người". “Nạn đói gây ra những cái chết đau đớn và nhục nhã. Nó thúc đẩy xung đột và chiến tranh. Nó kích hoạt làn sóng di cư ồ ạt. Tác động của nó đối với một quốc gia là tàn phá và lâu dài” – ông Lowcock nêu rõ.

Mặc dù bối cảnh của đại dịch COVID-19 khiến hành động nhân đạo trở nên khó khăn hơn, song ông Lowcock vẫn tin rằng việc trượt dài tới nạn đói không thể được coi là tác dụng phụ không thể tránh khỏi của đại dịch này. “Nếu điều này đang xảy ra, đó là bởi vì thế giới đã cho phép nó xảy ra. Có thể tránh được nạn đói” – ông khẳng định. “Nhưng chúng ta phải hành động đúng lúc để tạo ra sự khác biệt. Ngay bây giờ, cung cấp thêm tiền cho các hoạt động viện trợ là cách nhanh nhất và hiệu quả nhất để hỗ trợ các nỗ lực ngăn chặn nạn đói”.

Khoản kinh phí từ Quỹ Ứng phó Khẩn cấp Trung ương của Liên hợp quốc sẽ được phân phối thông qua các chương trình tiền mặt và chứng từ, một trong những cách hiệu quả, linh hoạt và tiết kiệm chi phí để giúp đỡ những người có nhu cầu. Hỗ trợ tài chính này nhắm đến những người dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái, và người khuyết tật.

Tại Afghanistan, 3,3 triệu người phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực ở mức khẩn cấp - nghĩa là họ đang ở bờ vực của nạn đói. Nước này sẽ nhận được 15 triệu USD.

Burkina Faso sẽ nhận được 6 triệu USD. Số người đói ở quốc gia này đã tăng gần gấp 3 lần kể từ năm 2019 và hơn 11.000 người đang sống trong điều kiện thảm khốc.

Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC) sẽ nhận được 7 triệu USD.

15 triệu USD được dành cho người dân ở Đông Bắc Nigeria. Nạn đói kém đang ngày càng gia tăng ở các khu vực bị ảnh hưởng bởi xung đột, đặc biệt là ở các khu vực của Bang Borno, nơi tiếp cận nhân đạo bị hạn chế.

Nam Sudan sẽ nhận được 7 triệu USD. Theo dự báo, 1/4 dân số của bang Jonglei đang đứng trước bờ vực chết đói vào tháng 7/2020.

Yemen sẽ nhận được 30 triệu USD để giúp nuôi sống hàng triệu người đã bị đẩy đến bờ vực của nạn đói sau 5 năm xung đột.

Tổng số 20 triệu USD đã được trích ra cho các hành động giải quyết tình trạng mất an ninh lương thực và hạn hán ở Ethiopia. Tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng đã ở mức cao có khả năng trở nên trầm trọng hơn bởi mùa mưa từ tháng 10 – 12, cũng như tình trạng bất ổn dân sự, mất an ninh ngày càng gia tăng, sự xâm nhập của châu chấu và hậu quả kinh tế của đại dịch COVID-19, đặc biệt được phản ánh trong thu nhập thấp hơn và lạm phát ngày càng tăng.

CERF là một trong những cách nhanh nhất và hiệu quả nhất để giúp đỡ những người bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng. Kể từ khi thành lập vào năm 2005, quỹ đã hỗ trợ gần 7 tỷ USD cho hành động nhân đạo cứu người, đã giúp đỡ hàng trăm triệu người tại hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ./.

Khánh Linh (Theo UN, AFP)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực