|
Nguồn lực y tế eo hẹp khiến các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho sản phụ không đảm bảo (Ảnh minh họa: UNICEF) |
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, trung bình mỗi ngày tại Afghanistan có 24 sản phụ tử vong do các biến chứng thai sản; con số này đưa Afghanistan là quốc gia có tỷ lệ tử vong bà mẹ cao nhất châu Á.
Theo WHO, đây là các ca tử vong hoàn toàn có thể ngăn ngừa được. Tuy nhiên, nguồn lực y tế eo hẹp khiến các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thai sản không đảm bảo. WHO cảnh báo rằng, con số này dự kiến sẽ tăng đáng kể nếu tình trạng thiếu kinh phí hiện tại tiếp tục diễn ra.
Tại Afghanistan, sự yếu kém của hệ thống y tế càng làm gia tăng thêm những rủi ro đối với hàng triệu sinh mạng do mất an ninh lương thực và suy dinh dưỡng, cùng với các bệnh truyền nhiễm, dịch bệnh đang diễn ra và hạn hán khắc nghiệt.
Ước tính cho thấy, số người tại Afghanistan cần cứu trợ nhân đạo trong năm nay sẽ lên đến con số 28,8 triệu người, tăng hơn 30% so với con số 18,4 triệu người của cách đây 2 năm. Trong lĩnh vực y tế, WHO cho biết hiện có khoảng 14 triệu người, trong đó có 7,5 triệu trẻ em và 3,1 triệu phụ nữ, cần được trợ giúp y tế.
Tuy nhiên, trên thực tế chỉ có 8,4 triệu người nhận được hỗ trợ trong nửa đầu năm 2023. Sự thiếu hụt này nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường nỗ lực để thu hẹp khoảng cách và cung cấp hỗ trợ sức khỏe cho những người dễ bị tổn thương ở Afghanistan.
Được biết, khoản tài trợ của WHO cho giai đoạn 2022-2023 lên tới 480 triệu USD, trong đó 355 triệu USD đã được triển khai hoặc sẵn có. Tuy nhiên, vẫn còn thiếu hụt nguồn tài trợ 125 triệu USD để duy trì các nhu cầu y tế thiết yếu trong thời gian còn lại của năm 2023.
Kể từ khi Taliban trở lại nắm quyền vào ngày 15/8/2021, nhiều tổ chức và cơ quan viện trợ phát triển quốc tế đã rời khỏi Afghanistan hoặc cắt giảm các chương trình hỗ trợ cho quốc gia Tây Nam Á này nhằm phản đối các chính sách hà khắc của chính quyền mới, đặc biệt nhằm vào phụ nữ và trẻ em gái. Điều này đã ảnh hưởng đến hoạt động của các dịch vụ công thiết yếu, trong đó có chăm sóc y tế./.