Mali: Ít nhất 200.000 trẻ em có nguy cơ tử vong vì đói

Thứ bảy, 02/09/2023 08:59
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Theo các cơ quan của Liên hợp quốc, sự kết hợp giữa xung đột vũ trang kéo dài, tình trạng di dời trong nước và khả năng tiếp cận nhân đạo hạn chế có nguy cơ đẩy gần một triệu trẻ em dưới 5 tuổi vào tình trạng suy dinh dưỡng cấp tính ở Mali vào cuối năm nay, và ít nhất 200.000 trẻ có nguy cơ bị tử vong vì đói...
Một trẻ sơ sinh 7 tháng tuổi được điều trị suy dinh dưỡng cấp tính nghiêm trọng tại bệnh viện khu vực ở Timbuktu, Mali. (Ảnh: UN)

Lời cảnh báo được đưa ra vào thời điểm gần 1/4 dân số Mali phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực ở mức độ vừa hoặc nghiêm trọng, với hơn 2.500 người đứng trước bờ vực chết đói ở khu vực Menaka vốn đang bị khủng hoảng, trong đó có nhiều trẻ em dễ bị tổn thương.

Trong bối cảnh đó, tuần qua, các quan chức nhân đạo cấp cao của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) đã có chuyến thị sát tới Mali để tái khẳng định cam kết giúp đỡ người dân của quốc gia này.

Ông Ted Chaiban, Phó Giám đốc điều hành Hành động Nhân đạo của UNICEF, nhấn mạnh nhu cầu hỗ trợ cấp thiết. “Mali đang trải qua một cuộc khủng hoảng nhân đạo phức tạp và cần được hỗ trợ khẩn cấp để tránh thảm họa cho trẻ em, những người một lần nữa phải trả giá đắt nhất cho một cuộc khủng hoảng mà các em vốn không phải chịu trách nhiệm” - ông nhấn mạnh.

Khoảng 5 triệu trẻ em ở quốc gia Tây Phi này đang cần hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp trong nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm y tế, dinh dưỡng, giáo dục và bảo vệ, cũng như tiếp cận nước uống. Điều này thể hiện sự gia tăng đáng kể - ít nhất 1,5 triệu trẻ em cần giúp đỡ kể từ năm 2020.

Ông Carl Skau, Phó Giám đốc điều hành WFP, cho biết: “Chúng ta phải làm mọi thứ có thể để giúp đỡ những gia đình dễ bị tổn thương, đặc biệt là trẻ em và phụ nữ, hợp tác chặt chẽ với các đối tác để ngăn chặn nạn đói, giải quyết trực tiếp tình trạng mất an ninh lương thực và suy dinh dưỡng trầm trọng cũng như xây dựng khả năng phục hồi của họ”.

Ngoài xung đột và bạo lực, các cú sốc về khí hậu còn dẫn đến tình trạng di dời hàng loạt trong những tháng gần đây. Tính đến cuối tháng 6, hơn 377.000 người đã phải di cư, hơn một nửa trong số đó là trẻ em.

Theo ước tính mới nhất, ít nhất 1,6 triệu trẻ em đang cần được bảo vệ khẩn cấp. Vào năm 2022, các cơ quan của Liên hợp quốc đã xác minh 1.024 hành vi vi phạm nghiêm trọng đối với các em, bao gồm việc tuyển mộ và sử dụng bởi các lực lượng và các nhóm vũ trang, các vụ giết người và cắt xẻo bộ phận của cơ thể.

Xung đột và thiếu nguồn lực cũng đã buộc hơn 1.700 trường học phải đóng cửa, ngăn cản ít nhất nửa triệu trẻ em tiếp cận với giáo dục và khiến các em bị lạm dụng thêm.

Trong bối cảnh đó, mặc dù cuộc khủng hoảng ngày đang càng trở nên nghiêm trọng, song theo các cơ quan của Liên hợp quốc, những lời kêu gọi nhân đạo dành cho Mali vẫn bị thiếu hụt trầm trọng.

Vào thời điểm chỉ còn 4 tháng nữa là hết năm 2023, chỉ có 21% trong số 751,4 triệu USD mà các cơ quan Liên hợp quốc yêu cầu cho các chương trình hỗ trợ đã được huy động, trong khi lời kêu gọi nhân đạo của UNICEF dành cho trẻ em ở Mali chưa được tài trợ tới 1/3.

UNICEF và WFP cần khẩn cấp 184,4 triệu USD để giúp đỡ 8,8 triệu người vào năm 2023, trong đó có 4,7 triệu trẻ em. Và nguồn tài trợ là vô cùng cần thiết để cung cấp viện trợ lương thực khẩn cấp cho những nhóm dân cư dễ bị tổn thương và hỗ trợ các dịch vụ y tế, bao gồm cả nhiên liệu để giữ lạnh vaccine./.

TLan (Theo UN, UNICEF. AFP)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực