Trọng tâm của Ngày An toàn Thực phẩm Thế giới năm nay là vai trò của các tiêu chuẩn và thực hành các biện pháp an toàn thực phẩm đã được thiết lập nhằm đảm bảo rằng những thực phẩm chúng ta tiêu thụ đều an toàn. An toàn thực phẩm là một phần thiết yếu của an ninh lương thực. Chỉ khi thực phẩm an toàn mới đáp ứng đủ dinh dưỡng nhu cầu, từ đó giúp người trưởng thành sống tích cực cũng như bảo đảm một cuộc sống khỏe mạnh để trẻ em lớn lên và phát triển.
Bằng cách đảm bảo hàng hóa do mình sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, các nhà sản xuất và kinh doanh thực phẩm đạt được niềm tin của thị trường, từ đó đảm bảo nguồn thu nhập. Thực phẩm không an toàn trong các hoạt động thương mại có thể dẫn đến xuất khẩu bị cấm và phá sản doanh nghiệp. Trước thực trạng đó, các chính phủ có thể giúp bảo vệ sinh kế của công nhân làm việc trong lĩnh vực thực phẩm bằng cách thiết lập một hệ thống kiểm soát thực phẩm mạnh mẽ và kiểm soát xuất khẩu nghiêm ngặt.
Chấm dứt “những cái chết có thể ngăn ngừa được”
|
Trợ lý Tổng giám đốc WHO, Tiến sĩ Maria Neira. (Ảnh: UN) |
Theo số liệu thống kê của WHO và FAO, mỗi ngày thế giới có trên 1,6 triệu người mắc các bệnh vì ăn phải thực phẩm bẩn và khoảng 420.000 người thiệt mạng mỗi năm. Từ đó, hai cơ quan của Liên hợp quốc kêu gọi cộng đồng quốc tế nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của an toàn thực phẩm, với trọng tâm là thực hành và thiết lập các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm để tiêu thụ.
|
Phát biểu với báo giới, Trợ lý Tổng giám đốc WHO, Tiến sĩ Maria Neira, nhấn mạnh an toàn thực phẩm ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người. Theo khuyến cáo của bà Neira, có tới hơn 200 bệnh, từ tiêu chảy đến ung thư, là do ăn thực phẩm bị nhiễm vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng hoặc hóa chất.
“Chúng ta có xu hướng chỉ nghĩ đến an toàn thực phẩm khi bị ốm. Chúng ta nên nghĩ về điều này thường xuyên hơn vì các bệnh do thực phẩm gây ra hoàn toàn có thể phòng ngừa được” – Trợ lý Tổng Giám đốc WHO phát biểu.
Theo bà Neira, việc tiêu thụ thực phẩm an toàn cho phép hấp thu các chất dinh dưỡng và thúc đẩy sự phát triển của con người. “Không ai nên chết vì tiêu thụ thức ăn. Đây là những cái chết có thể ngăn ngừa được” – Trợ lý Tổng Giám đốc WHO nhấn mạnh.
Kêu gọi hành động
Nhằm nâng cao nhận thức của mọi người về an toàn thực phẩm, WHO đã kêu gọi hành động từ các lĩnh vực khác nhau, trong đó gồm cả hành động của các nhà hoạch định chính sách, những người vốn được khuyến khích thiết lập hệ thống an toàn thực phẩm quốc gia mạnh mẽ tuân thủ các tiêu chuẩn đã được thiết lập.
Bên cạnh đó, WHO cũng khuyến khích các doanh nghiệp thực phẩm phối hợp với nhân viên, nhà cung cấp và các bên liên quan khác để phát triển “văn hóa an toàn thực phẩm”, trong khi các cơ sở giáo dục và nơi làm việc cần thúc đẩy các nỗ lực bảo đảm an toàn thực phẩm.
Cụ thể, người tiêu dùng cũng được yêu cầu thực hiện phần việc của mình bằng cách thực hành các biện pháp xử lý thực phẩm an toàn tại nhà và tuân theo các khuyến nghị của WHO, bao gồm rửa tay trước khi chuẩn bị bữa ăn; sử dụng các thiết bị và dụng cụ riêng biệt, chẳng hạn như dao và thớt khi chế biến thực phẩm sống.
Trang web của FAO nhằm hỗ trợ tuân thủ các tiêu chuẩn vệ sinh thực phẩm quốc tế
|
An toàn thực phẩm đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe con người. (Ảnh: WHO) |
Trong một nỗ lực phối hợp, FAO cho biết sẽ ra mắt một trang web hỗ trợ việc tuân thủ các tiêu chuẩn vệ sinh thực phẩm quốc tế. Được mô tả như một “hộp công cụ”, trang web của FAO nhằm mục đích vừa bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng vừa thúc đẩy các thông lệ công bằng trong buôn bán thực phẩm.
Trọng tâm đặc biệt của trang web này nhằm vào các doanh nghiệp nhỏ và nông dân ở các nước đang phát triển, vì trang web của FAO có thể được truy cập trên các thiết bị di động cầm tay, phổ biến hơn nhiều ở các quốc gia này so với các thiết bị máy tính xách tay khác.
Trang web bao gồm các hướng dẫn về vệ sinh cá nhân, chẳng hạn như cách hướng dẫn các quy trình khách tham quan cần thực hiện trước khi vào các khu vực sản xuất thực phẩm, quy trình và tần suất rửa tay đúng cách cũng như các gợi ý về trang phục phù hợp.
Nội dung kỹ thuật của trang web được phát triển và xem xét bởi các Cán bộ An toàn Thực phẩm của FAO và một nhóm từ Khoa Khoa học Thực phẩm tại Đại học Guelph ở Canada. “Trong tương lai, chúng tôi có kế hoạch thu thập phản hồi và có thể mở rộng hộp công cụ để hướng dẫn chuyên sâu hơn cho các lĩnh vực khác của hệ thống nông sản, chẳng hạn như thủy sản” - cơ quan của Liên hợp quốc cho biết./.