|
Một người tị nạn ở Rwanda được tiêm vaccine COVID-19. (Ảnh: UN) |
Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) cho biết nhiều người di cư đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận vaccine, đồng thời lưu ý khoảng trống ở gần 1/3 trong số 160 quốc gia mà cơ quan này đã khảo sát khả năng tiếp cận vaccine.
Mặc dù không cung cấp con số chính xác về những người bị loại khỏi chương trình tiêm chủng COVID-19, song IOM nhấn mạnh rằng những người di cư "không thường xuyên và không có giấy tờ" cũng như những người bị buộc phải di dời thuộc nhóm đối tượng đặc biệt có nguy cơ. Điều này là do các chính sách của chính phủ, thực tế hoạt động và các yêu cầu hành chính như chứng minh nhân dân và giấy phép cư trú, có thể cản trở việc tiếp cận các nỗ lực tiêm chủng của người di cư. “Những gì chúng ta đang thấy trong một số trường hợp là sự khác biệt giữa những gì cam kết trên giấy tờ và những gì thực sự xảy ra trong thực tế” – Tổng giám đốc IOM António Vitorino cho biết trong một tuyên bố.
Ngoài ra, trong báo cáo vừa được đưa ra, IOM cũng đã xác định hơn 53 quốc gia, vùng lãnh thổ hoặc khu vực mà các chính sách hiện hành và thực tế hoạt động sẽ khiến những người dễ bị tổn thương nhất không thể tiếp cận với vaccine. “Các rào cản đối với dịch vụ y tế đã có hệ thống từ rất lâu trước khi xảy ra đại dịch COVID-19 và vẫn là hiện thực đối với quá nhiều người di cư ở quá nhiều nơi” – ông Vitorino nói thêm.
Những trở ngại về hành chính và hậu cần
IOM lưu ý đặc biệt quan tâm đến “những trở ngại về hành chính và hậu cần ở gần 40 quốc gia”, bao gồm yêu cầu xuất trình chứng minh nhân dân hợp lệ hoặc giấy phép cư trú, hoặc đăng ký trước với các cơ quan bảo hiểm quốc gia. Theo IOM, những yêu cầu này có thể tạo thành một trở ngại đối với một số nhóm người di cư và những người bị buộc phải di dời.
Ngoài ra, các loại rào cản khác cũng đã được xác định ở một số nơi, bao gồm ưu tiên dành cho công dân và loại trừ những người không mang quốc tịch khỏi các chiến dịch tiêm chủng.
IOM cũng lưu ý về việc thiếu “bức tường lửa” giữa các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và cơ quan quản lý nhập cư, điều này khiến nhiều người di cư bất thường lo sợ bị bắt giữ hoặc trục xuất nếu họ tìm cách được tiêm phòng.
Cơ quan của Liên hợp quốc cũng chỉ ra sự miễn cưỡng nói chung trong việc tiêm chủng do nhận thức về mục tiêu không đầy đủ thông qua các kênh phù hợp về ngôn ngữ và văn hóa. Thêm vào đó, khả năng di chuyển cũng là một thách thức đối với vaccine yêu cầu hai liều, cũng như nhu cầu về điện thoại thông minh, máy tính hoặc kết nối internet để đăng ký.
Mặc dù vậy, Tổ chức Di cư Quốc tế cũng cho biết 47 quốc gia đã thực hiện các bước cụ thể để bảo đảm rằng những người di cư, bao gồm cả những người có hoàn cảnh bất thường, có thể tiếp cận với vaccine.
Tổng giám đốc IOM António Vitorino cho biết: “Chúng tôi đã rất ấn tượng trước những nỗ lực của hàng chục quốc gia nhằm triển khai tiêm chủng một cách công bằng nhất có thể”. Tuy nhiên, nhiều quốc gia đang chờ có đủ liều lượng để bắt đầu triển khai tiêm chủng.
Điều chỉnh công bằng về vaccine
Báo cáo của Tổ chức Di cư Quốc tế cũng nêu bật nhiều sáng kiến đáng khích lệ do các chính phủ thực hiện nhằm thừa nhận rằng “công bằng tiêm chủng là điều cần thiết để vượt qua các cuộc khủng hoảng về sức khỏe, kinh tế và di chuyển do đại dịch này gây ra”.
Ông Vitorino nhấn mạnh: “Vẫn còn thời gian để thiết lập quy trình về công bằng tiêm chủng ở bất cứ nơi nào có ý chí chính trị để làm như vậy”. IOM ủng hộ rằng bất kỳ giấy tờ tùy thân nào đều được chấp nhận, "bất kể ngày hết hạn của nó, mà không cần đặt câu hỏi về tình trạng nhập cư của người đó".
Cơ quan của Liên hợp quốc cũng đang thúc giục các quốc gia bảo đảm rằng không báo cáo gì cho cơ quan nhập cư sau khi tiêm phòng vaccine. Điều này cũng liên quan đến việc cấp quyền cư trú hoặc gia hạn thị thực cho những người di cư không thường xuyên, để bảo đảm họ được tiếp cận với các phúc lợi xã hội, bao gồm cả chăm sóc sức khỏe.
Ngoài ra, IOM cũng đang triển khai các đội tiêm chủng lưu động để đến các vùng sâu vùng xa, nơi các dịch vụ y tế ban đầu vẫn còn khan hiếm.
Tổng giám đốc IOM kêu gọi “tất cả các chính phủ hãy dọn đường cho việc tiêm chủng cho tất cả mọi người”./.