Nhiệt độ trung bình toàn cầu tiếp tục lập kỷ lục mới

Thứ hai, 08/07/2024 16:04
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Nhiệt độ trung bình toàn cầu trong 12 tháng qua (giai đoạn từ tháng 7/2023 đến tháng 6/2024) tiếp tục phá vỡ kỷ lục, cao hơn 0,76 độ C so với mức trung bình giai đoạn 1991 - 2020 và cao hơn 1,64 độ C so với mức trung bình thời kỳ tiền công nghiệp 1850 - 1900.
Theo tính toán của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), biến đổi khí hậu có thể cướp đi sinh mạng của 14,5 triệu người, tính đến năm 2050. (Ảnh: IANS) 

Theo số liệu thống kê được Cơ quan Giám sát Khí hậu Copernicus (C3S) của Liên minh châu Âu (EU) công bố ngày 7/7,  tháng 6/2024 đã đánh dấu tháng thứ 12 liên tiếp nhiệt độ toàn cầu đạt mức tăng 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp (1850 - 1900)

Báo cáo cũng chỉ ra rằng, trong tháng 6/2024, nền nhiệt trái đất cao hơn so với bất kỳ tháng 6 nào trước đó ghi nhận trong hồ sơ dữ liệu, với nhiệt độ không khí bề mặt trung bình là 16,66 độ C.

Giám đốc C3S – ông Carlo Buontempo lưu ý: “Đây là tháng thứ 13 liên tiếp ghi nhận nền nhiệt ấm nhất so với các tháng tương ứng trong năm… Đây không chỉ là một sự kỳ lạ về mặt thống kê mà nó còn nêu bật một sự thay đổi lớn và đang diễn ra trong khí hậu của chúng ta”.

Theo lập luận của ông Buontempo, ngay cả khi chuỗi những hiện tượng thời tiết cực đoan cụ thể này kết thúc vào một thời điểm nào đó, chúng ta chắc chắn sẽ tiếp tục chứng kiến những kỷ lục mới bị phá vỡ khi khí hậu tiếp tục ấm lên, trừ khi chúng ta ngừng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính vào khí quyển và đại dương.

Thỏa thuận Paris năm 2015 đã đặt ra các mục tiêu về hạn chế sự nóng lên của khí hậu toàn cầu ở mức dưới 2 độ C so với mức tiền công nghiệp, với nỗ lực hạn chế ở mức 1,5 độ C vào cuối thế kỷ này. Theo báo cáo của C3S, các giới hạn đặt ra trong Thỏa thuận Paris là mục tiêu cho nhiệt độ trung bình của hành tinh trong khoảng thời gian 20 hoặc 30 năm. Tuy nhiên, nền nhiệt toàn cầu trong 12 tháng qua đã liên tiếp vượt quá giới hạn 1,5% và thực tế đó càng nhấn mạnh tính cấp bách của những nỗ lực nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng khí hậu.

Tác động của tình trạng gia tăng nhiệt độ toàn cầu đã được cảm nhận trên khắp thế giới. Theo số liệu thống kê, hơn 1.000 người đã thiệt mạng vì các bệnh liên quan đến nhiệt độ trong cuộc hành hương Hajj vào tháng trước.

Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) cảnh báo nhiệt độ tăng thêm 1,5 độ C có thể khiến 70 - 90% các rạn san hô nhiệt đới bị chết, trong khi nhiệt độ tăng lên 2 độ C có thể xóa sổ hoàn toàn chúng. Các đại dương, bao phủ 70% bề mặt trái đất và hấp thụ 90% lượng nhiệt tăng thêm liên quan đến lượng khí thải làm khí hậu nóng lên, cũng đang đang đứng trước những nguy cơ nghiêm trọng.

Nửa đầu năm nay, trái đất ghi nhận nhiệt độ cao kỷ lục bao trùm nhiều khu vực trên thế giới, từ Ấn Độ và Saudi Arabia đến Mỹ và Mexico. Nắng nóng gay gắt gây ra những hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sức khỏe con người. Các hiện tượng thời tiết cực đoan, như mưa không ngừng gây lũ lụt trên diện rộng ở Kenya, Trung Quốc, Brazil, Afghanistan, Nga và Pháp… được cho là có liên quan đến sự nóng lên của hành tinh. Cháy rừng đã tàn phá các vùng đất ở Hy Lạp và Canada, trong khi Beryl đã trở thành cơn bão Đại Tây Dương cấp 5 sớm nhất được ghi nhận khi nó quét qua một số hòn đảo ở Caribe./.

T.Lan (Theo Xinhua, ibtimes)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực