Nhiều quốc gia lo ngại về mối nguy hại từ các biến thể của virus SARS-CoV-2

Chủ nhật, 27/06/2021 09:45
(ĐCSVN) – Hiện có 4 biến thể SARS-CoV-2 được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp vào nhóm đáng lo ngại bao gồm: Alpha, Beta, Gamma và Delta được phát hiện lần đầu tại Anh, Nam Phi, Brazil và Ấn Độ. Trong đó, biến thể Delta được coi là nguy hiểm nhất, là chủng lây nhiễm chủ đạo trên toàn cầu.

 Hiện có 4 biến thể SARS-CoV-2 được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp vào nhóm đáng lo ngại 

(Ảnh minh họa: DW)

Trong khi đại dịch COVID-19 đang được kiểm soát khá tốt ở những quốc gia có tốc độ tiêm vaccine nhanh, thì sự xuất hiện của các biến thể SARS-CoV-2 đã và đang đe dọa đến những nỗ lực của toàn cầu.

Nam Phi là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất châu Phi với số ca nhiễm chiếm đến 1/3 và số ca tử vong chiếm hơn 40% số ca trên toàn châu lục. Sau khi các nhà khoa học công bố phần lớn các ca nhiễm COVID-19 mới ở nước này trong những ngày qua là do nhiễm biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 được xác định đầu tiên ở Ấn Độ, nước này dự kiến áp đặt các biện pháp phong tỏa mạnh mẽ hơn.

Ngày 26/6, Giáo sư Tulio de Oliveira (Đại học KwaZulu-Natal) khẳng định: "Có vẻ như biến thể mới không chỉ đã xuất hiện mà còn bắt đầu lây lan nhanh ở Nam Phi". Theo Giáo sư, biến thể Delta mới còn dễ lây nhiễm hơn cả biến thể Beta, được phát hiện đầu tiên tại Nam Phi, và từng hoành hành tại quốc gia cực Nam châu Phi trong làn sóng lây nhiễm thứ 2 hồi cuối năm 2020 và đầu năm 2021.

Tại Italy, Viện Y tế cấp cao (ISS) ngày 25/6 cho biết, số lượng bệnh nhân COVID-19 của nước này mắc 2 loại biến thể Delta và Kappa đã tăng mạnh, chiếm 16,8% số bệnh nhân trong tháng 6 (tính đến ngày 21/6), so với mức 4,2% trong tháng 5. Tại Italy, đa số các ca COVID-19 đều mắc biến thể Alpha với 74,9% số ca. Italy hiện là quốc gia có số ca mắc COVID-19 cao thứ 9 thế giới với hơn 4,25 triệu ca. Tuy nhiên số ca mắc COVID-19 hiện liên tục giảm trong các tuần gần đây, với số ca mắc hàng ngày tăng ở mức 3 con số, thấp nhất châu Âu.

Tại Bồ Đào Nha, một báo cáo công bố ngày 26/6 cho biết hơn 70% ca mắc COVID-19 tại vùng Lisbon là nhiễm biến thể Delta. Theo báo cáo của Viện Y tế quốc gia Ricardo Jorge, hơn 50% ca mắc tại Bồ Đào Nha lục địa nhiễm biến thể Delta, cho thấy biến thể này lan mạnh tương tự như ở Anh.

Trong khi đó, Cơ quan Y tế công cộng Canada (PHAC) ngày 25/6 cảnh báo nếu biến thể Delta trở thành dòng virus phổ biến ở Canada, có thể dẫn đến sự gia tăng trở lại các ca nhiễm COVID-19 với số lượng lớn hơn dự kiến trong mùa thu này. Người đứng đầu PHAC, Tiến sĩ Theresa Tam cho biết “sự tái bùng phát” này có thể được kiểm soát nếu các biện pháp bảo vệ cá nhân vẫn được duy trì cho đến khi Canada đạt được mức tiêm chủng cao hơn. Biến thể Delta, lần đầu tiên được xác định ở Ấn Độ vào năm ngoái, đã có mặt tại 10 tỉnh và một vùng lãnh thổ của Canada. Theo một nghiên cứu gần đây của Scotland, biến thể Delta có thể tăng gấp đôi nguy cơ nhập viện ở bệnh nhân COVID-19 khi so sánh với biến thể Alpha lần đầu tiên được phát hiện ở Vương quốc Anh.

Tại Ấn Độ, một loạt bang đã ghi nhận sự xuất hiện của biến chủng có tên Delta Plus. Phiên bản đột biến mới của biến thể Delta khiến Ấn Độ đứng trước nguy cơ hứng chịu làn sóng dịch lần 3 tại đất nước tỷ dân này. Ngoài những tính chất của Delta, biến thể Delta Plus còn chứa một đột biến bổ sung được gọi là K417N, được tìm thấy trong các biến thể Beta và Gamma. Beta có liên quan đến việc gia tăng tỷ lệ nhập viện và tử vong trong đợt nhiễm bệnh đầu tiên ở Nam Phi, trong khi Gamma được cho là có khả năng lây truyền cao.

Biến thể Delta Plus đã xuất hiện ở 9 quốc gia, còn khá ít so với chủng Delta. Giới chức y tế Ấn Độ cho rằng, hiện còn khá sớm để xác định mức độ nguy hiểm của Delta Plus. Tuy nhiên, với các tính chất nguy hiểm trong cấu trúc của biến thể, ngành y tế Ấn Độ khẳng định rằng, họ sẽ phản ứng mạnh để ngăn chặn sớm Delta Plus, không để bài học lây lan không kiểm soát của chủng Delta lặp lại.

Trước những diễn biến mới về các biến thể của virus SARS-CoV-2, ngày 25/6, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng nhiều nước trên toàn cầu hiện nay đều lo ngại về biến thể Delta và WHO cũng quan ngại về biến thể này. Theo ông, Delta là biến thể dễ lây lan nhất trong số các biến thể của virus SARS-CoV-2 được xác định đến nay. Hiện biến thể này đã xuất hiện ở ít nhất 85 quốc gia trên thế giới và đang lây lan nhanh chóng ở những cộng đồng chưa được tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19. WHO cũng kêu gọi những người được tiêm chủng đầy đủ tiếp tục đeo khẩu trang, giãn cách xã hội và thực hành các biện pháp an toàn chống đại dịch COVID-19 khi biến thể Delta rất dễ lây lan nhanh trên toàn cầu./.

 

 

Song Anh (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực