|
Nhiều quốc gia vẫn phải đối mặt với mối đe dọa khủng bố. (Ảnh: UNODC) |
Phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an đánh dấu kỷ niệm 20 năm nghị quyết 1373 (2001), ông Vladimir Voronkov, người đứng đầu Văn phòng chống khủng bố của Liên hợp quốc, cho biết: “Trong hai thập kỷ qua, hiểm họa khủng bố vẫn tồn tại, phát triển và lan rộng, gây ra nhiều đau thương và mất mát về tính mạng con người. Al-Qaeda đã thể hiện khả năng phục hồi dù mất đi nhiều thủ lĩnh”. "IS đã có thể khai thác mạng xã hội để huy động và tuyển mộ những người theo dõi trên khắp thế giới, tạo ra một hiện tượng chiến binh khủng bố nước ngoài với quy mô chưa từng có" – ông nói thêm.
Nghị quyết 1373 được Hội đồng Bảo an thông qua sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001 nhằm vào nước Mỹ. Đó là "thời điểm quyết định trong đó Hội đồng và cộng đồng quốc tế nhận ra mức độ nghiêm trọng của mối đe dọa do chủ nghĩa khủng bố xuyên quốc gia gây ra" – bà Michèle Coninsx, Giám đốc Ban điều hành Ủy ban Liên hợp quốc chống khủng bố (DECT), nêu rõ.
Ngoài ra, theo ông Vladimir Voronkov, trước các mối đe dọa khủng bố, Hội đồng Bảo an "đã đưa ra động lực và hướng dẫn cần thiết cho các quốc gia thành viên để thể hiện sự thống nhất về mục đích và hành động, bằng cách đẩy mạnh các nỗ lực quốc gia và hợp tác quốc tế". "Điều này đã dẫn đến những thành công quan trọng, giúp các quốc gia thành viên đưa những kẻ khủng bố ra trước công lý và ngăn chặn các cuộc tấn công tiếp theo" – ông nhấn mạnh, đồng thời lưu ý rằng tham vọng lãnh thổ của IS ở Iraq và Syria đã bị đánh bại, ngay cả khi nhóm khủng bố vẫn là mối đe dọa trong khu vực. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức cấp bách để bảo đảm rằng IS phải chịu trách nhiệm về các tội ác đã gây ra và hồi hương hàng nghìn công dân nước ngoài có liên quan, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, những người vẫn còn trong tình trạng bấp bênh.
Lưu ý rằng những kẻ khủng bố đã tìm cách khai thác những gián đoạn do đại dịch COVID-19 và những trở ngại trong phát triển và quyền con người, người đứng đầu Văn phòng chống khủng bố của Liên hợp quốc nhấn mạnh hoạt động khủng bố cho thấy chúng ta phải "cực kỳ cảnh giác: mối đe dọa vẫn có thực và thậm chí trực tiếp đối với nhiều nước". Những kẻ khủng bố cũng đang thích ứng nhanh chóng, khai thác không gian mạng và các công nghệ mới, các mối liên hệ với tội phạm có tổ chức, cũng như các lỗ hổng về quy định, con người và kỹ thuật.
Trước mối đe dọa dai dẳng này, ông Vladimir Voronkov kêu gọi một chủ nghĩa đa phương, đồng thời nhấn mạnh vai trò thiết yếu mà Hội đồng Bảo an phải thực hiện trong việc bảo đảm một mặt trận thống nhất chống khủng bố. Ông cũng nhận thấy cần phải nhìn xa hơn chủ nghĩa khủng bố như một chiến thuật và giải quyết các điều kiện và yếu tố cơ bản cho phép nó duy trì và lan rộng. Ông cho rằng cần phải tham gia nhiều hơn vào giới trẻ, xã hội dân sự, khu vực tư nhân và cộng đồng khoa học trong cuộc chiến chống khủng bố.
Bà Michèle Coninsx, Giám đốc Ban điều hành Ủy ban Liên hợp quốc chống khủng bố, cũng nhấn mạnh mối đe dọa mà tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tiếp tục gây ra: “Trong những năm gần đây, các chi nhánh của IS đã nổi lên, đặc biệt là ở Nam Á, Đông Nam Á, Sahel, lưu vực Hồ Chad và miền Nam, miền Đông châu Phi”. Bà đồng thời lo ngại về "sự gia tăng của chủ nghĩa khủng bố cực hữu (hoặc do chủng tộc và sắc tộc)".
Tại cuộc họp ngày 12/1 vừa qua, Hội đồng Bảo an đã thông qua một tuyên bố, trong đó "nhấn mạnh rằng mối đe dọa khủng bố vẫn tồn tại và ảnh hưởng đến các quốc gia thành viên trên toàn thế giới". Tuyên bố cũng tái khẳng định các quốc gia thành viên phải bảo đảm rằng bất kỳ biện pháp chống khủng bố nào đều “tuân thủ các nghĩa vụ theo luật quốc tế, cụ thể là luật nhân quyền quốc tế, luật tị nạn quốc tế và nhân đạo quốc tế”.
Hội đồng Bảo an nhấn mạnh sự cần thiết phải giải quyết các yếu tố làm lây lan chủ nghĩa khủng bố và cho rằng cách tiếp cận toàn diện để kiềm chế chủ nghĩa khủng bố đòi hỏi phải có hành động đa phương ở cấp quốc gia, khu vực và tiểu vùng./.