Phản ánh “giá trị đích thực” của thiên nhiên trong các chính sách và quyết định kinh tế

Thứ tư, 03/03/2021 17:24
(ĐCSVN) – Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres ngày 2/3 cho biết các quốc gia phải bắt đầu so sánh chi phí của lợi nhuận kinh tế với thiệt hại đối với môi trường.
Thiên nhiên đóng góp quan trọng vào những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của con người (Ảnh minh họa: UN) 

Người đứng đầu Liên hợp quốc nhấn mạnh rằng nền kinh tế thế giới đã tăng gần gấp 5 lần trong 50 năm qua, nhưng sự tăng trưởng này gây ra tổn thất rất lớn cho môi trường. “Tài nguyên thiên nhiên vẫn chưa được đưa vào tính toán về sự giàu có, của cải của các quốc gia. Hệ thống hiện tại tập trung vào việc phá hủy chứ không phải bảo quản” – ông nói.

Theo Tổng thư ký António Guterres, điểm mấu chốt là chúng ta phải thay đổi cách nhìn nhận và đánh giá cao thiên nhiên. Chúng ta cần phản ánh giá trị đích thực của thiên nhiên trong tất cả các chính sách, kế hoạch và hệ thống kinh tế. Ông Guterres nhấn mạnh thêm rằng khi làm như vậy, các khoản đầu tư có thể hướng tới các hành động bảo vệ và phục hồi thiên nhiên. “Những lợi ích sẽ rất lớn” – ông khẳng định.

Lời kêu gọi của Tổng thư ký được đưa ra khi các nước tập hợp trong Ủy ban Thống kê Liên hợp quốc chuẩn bị cân nhắc về một khung thống kê mới để đo lường sự thịnh vượng kinh tế và phúc lợi của con người, trong đó bao gồm cả những đóng góp từ thiên nhiên.

Vượt xa GDP

Theo Cơ quan Kinh tế và Xã hội của Liên hợp quốc (DESA), khuôn khổ này, được gọi là Hệ thống Kế toán Kinh tế và Môi trường - Kế toán Hệ sinh thái, sẽ vượt ra ngoài các thống kê thường được sử dụng về tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Hệ thống này bảo đảm rằng vốn tự nhiên như: rừng, đại dương và các hệ sinh thái khác, được đưa vào các báo cáo kinh tế.

Ông Elliott Harris, Trợ lý Tổng thư ký Liên hợp quốc về Phát triển Kinh tế và Kinh tế trưởng của Liên hợp quốc, cho biết: “Chúng ta đã đối xử với thiên nhiên như thể nó miễn phí và như thể nó là vô hạn. Vì vậy, chúng ta đã làm suy thoái thiên nhiên và làm kiệt quệ nó mà không thực sự biết mình đang làm gì và mất bao nhiêu trong quá trình này”. Hệ thống cũng giúp ứng phó tốt hơn với các trường hợp khẩn cấp về môi trường, như biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học.

Theo ông Harris, khuôn khổ mới "sẽ cho phép chúng ta xem các hoạt động kinh tế có thể ảnh hưởng đến hệ sinh thái như thế nào, sự hiện diện của thiên nhiên ảnh hưởng đến chúng ta như thế nào và các hoạt động của chúng ta có thể được thay đổi như thế nào để đạt được sự thịnh vượng mà không làm tổn hại hoặc hủy hoại thiên nhiên trong quá trình này".

Cơ quan Kinh tế và Xã hội của Liên hợp quốc cho biết thêm rằng Ủy ban Thống kê thảo luận về khuôn khổ này và sẽ thông qua khuôn khổ, với điều kiện không có thành viên nào phản đối, trong vòng 72 giờ kể từ ngày 5/3.

Ủy ban thống kê Liên hợp quốc

Được thành lập vào năm 1947, Ủy ban Thống kê là cơ quan ra quyết định cao nhất của Liên hợp quốc về các hoạt động thống kê quốc tế. Ủy ban chịu trách nhiệm thiết lập các tiêu chuẩn thống kê và phát triển các khái niệm và phương pháp, bao gồm cả việc thực hiện chúng ở cấp quốc gia và quốc tế.

Ủy ban thường họp một phiên 4 ngày vào tháng 3 hàng năm, với sự tham gia của các nhà thống kê trưởng từ các quốc gia thành viên Liên hợp quốc, các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách và xã hội dân sự.

Tuy nhiên, năm nay, do đại dịch COVID-19, phiên họp sẽ được tổ chức dưới dạng trực tuyến với quy mô nhỏ hơn, bao gồm 4 cuộc họp không chính thức kéo dài từ ngày 1 – 3/3 và ngày 5/3./.

Khánh Linh (Theo UN, AFP, Maxisciens)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực