Phát động chiến dịch chống nạn tảo hôn ở Nam Sudan

Thứ ba, 06/10/2020 17:29
(ĐCSVN) – Ngày 5/10, một chiến dịch nhằm chống lại nạn tảo hôn đã được phát động ở Nam Sudan – quốc gia có tới 52% số trẻ em gái kết hôn trước 18 tuổi.

 Tảo hôn có tác động tiêu cực đối với việc học tập, phát triển và tương lai của các em gái
(Ảnh minh họa: UNICEF)

Với khẩu hiệu: “Nhiều điều không phù hợp với trẻ em – tảo hôn là một trong số đó”, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Chính phủ Nam Sudan đã nêu bật những tác động tiêu cực của nạn tảo hôn đối với việc học tập, phát triển và tương lai của các em gái.

 “Với việc đóng cửa các trường học, thời gian ở nhà nhiều hơn và căng thẳng gia tăng do COVID-19, nhiều trẻ em gái phải đối mặt với các nguy cơ gia tăng về bạo lực tình dục, tảo hôn và mang thai sớm. Chiến dịch này diễn ra vào đúng thời điểm khi mà chúng ta cần bảo vệ các bé gái hơn bao giờ hết. Tôi kêu gọi mọi người dân Nam Sudan cùng chung tay chấm dứt nạn tảo hôn ở đất nước chúng ta”, Bộ trưởng Bình đẳng giới và Phúc lợi xã hội Nam Sudan – bà Ayaa Benjamin Warille cho biết.

Phát biểu tại lễ phát động chiến dịch,  Đại diện UNICEF tại Nam Sudan Mohamed Ag Ayoya nhấn mạnh: “Thông qua chiến dịch được phát động ngày hôm nay, chúng tôi muốn gửi một thông điệp rõ ràng rằng kết hôn không dành cho trẻ em. Nó gây hại cho trẻ em, đặc biệt là những em gái và cần phải chấm dứt ngay tình trạng này”.

Tảo hôn thường dẫn đến việc mang thai sớm. Khoảng 1/3 số bé gái ở Nam Sudan mang thai trước 15 tuổi. Việc mang thai ở độ tuổi còn nhỏ có thể đe dọa đến tính mạng của những người mẹ trẻ khi mà cơ thể của các em chưa sẵn sàng cho việc mang thai và sinh nở. Những em bé được sinh ra bởi những người mẹ trẻ tuổi thường bị sinh non, với tình trạng nhẹ cân và những ảnh hưởng suốt đời đối với sức khỏe.

Nạn tảo hôn có nguồn gốc sâu xa từ bất bình đẳng giới và các hủ tục lạc hậu. Nam Sudan là một trong những quốc gia có tập quán văn hóa và chuẩn mực xã hội gắn liền với giới tính. Vấn nạn này gia tăng cũng một phần do nghèo đói. Các bé gái kết hôn để gia đình có của hồi môn. Bên cạnh đó, trình độ học vấn thấp và thiếu hiểu biết về tác hại của tảo hôn cũng khiến tình hình trở nên trầm trọng hơn.

Nhằm ngăn chặn triệt để tình trạng tảo hôn, UNICEF hiện đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan Nam Sudan trong việc thực thi Kế hoạch Hành động quốc gia, trong đó đề gia mục tiêu chấm dứt hoàn toàn tình trạng hôn nhân trẻ em vào năm 2030.

Trên quy mô toàn cầu, UNICEF cho biết tính theo số liệu đến thời điểm năm 2018, tỷ lệ tảo hôn trên thế giới đã giảm khoảng 15% trong vòng 1 thập kỷ qua, trong đó một số quốc gia có tỉ lệ giảm đáng kể, đặc biệt tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương./.

Kiều Giang (theo UNICEF, Xinhua)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực