Thế giới cần tăng tốc ứng phó với hạn hán và sa mạc hóa

Thứ sáu, 13/05/2022 14:54
(ĐCSVN) – Một báo cáo mới từ Công ước Liên hợp quốc về chống sa mạc hóa (UNCCD) cho biết nhân loại đang ở “ngã ba đường” khi phải ứng phó với tình trạng hạn hán và cần phải tăng tốc giảm thiểu hạn hán bằng tất cả các công cụ có thể.
 Các gia đình phải di dời vì hạn hán ở Ethiopia. (Ảnh: UN)

Báo cáo với nhan đề “Hạn hán qua những con số, năm 2022”, được công bố để đánh dấu Ngày Hạn hán trong Hội nghị lần thứ 15 của các Bên tham gia UNCCD (COP15, từ ngày 9 – 20/5 tại Abidjan, Côte d'Ivoire), kêu gọi cam kết toàn cầu về khả năng ứng phó với hạn hán ở tất cả các khu vực của thế giới như một ưu tiên hàng đầu.

Ông Ibrahim Thiaw, Thư ký điều hành UNCCD, cho biết: “Các dữ kiện và số liệu trong ấn phẩm này đều chỉ ra theo cùng một hướng: quỹ đạo đi lên trong thời gian hạn hán và mức độ nghiêm trọng của các tác động, không chỉ ảnh hưởng đến xã hội loài người mà còn ảnh hưởng đến các hệ thống sinh thái mà sự tồn tại của tất cả sự sống phụ thuộc vào đó”.

Báo cáo của UNCCD được đưa ra trước ngày 18/5 – thời điểm Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) công bố báo cáo về tình hình khí hậu toàn cầu năm 2021, trong đó sẽ nêu bật những tác động làm suy yếu của hạn hán ở các khu vực trên thế giới, như vùng Sừng châu Phi.

Những thách thức ngày càng lớn

Tổng thư ký WMO Petteri Taalas cho biết nhiều nơi trên thế giới đã ghi nhận tình trạng giảm độ ẩm của đất và đây là một điều rất đáng chú ý đối với sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, các sông băng cũng tan chảy với tốc độ nhanh hơn, đồng nghĩa với các con sông ngày càng ít nước ngọt hơn. Các mô hình lượng mưa cũng đã có nhiều thay đổi.

Báo cáo của UNCCD lưu ý rằng kể từ năm 2000, số lượng và thời gian hạn hán đã tăng 29%, trong đó từ năm 1970 – 2019, các hiểm họa về thời tiết, khí hậu và nước đã chiếm 50% thảm họa và 45% các trường hợp tử vong liên quan đến thảm họa, chủ yếu ở các nước đang phát triển, cũng giống như hạn hán chiếm 15% các vụ thiên tai. Ngoài ra, chúng gây ra số lượng nạn nhân lớn nhất là con người, khoảng 650.000 người chết trong giai đoạn từ năm 1970 – 2019.

Từ năm 1998 – 2017, hạn hán đã gây ra thiệt hại kinh tế toàn cầu khoảng 124 tỷ USD.

Vào năm 2022, hơn 2,3 tỷ người đang phải đối mặt với tình trạng căng thẳng về nước. Báo cáo cho biết gần 160 triệu trẻ em có nguy cơ bị hạn hán nghiêm trọng và kéo dài.

Đến năm 2050, hạn hán có thể ảnh hưởng đến hơn 3/4 dân số thế giới

Theo UNCCD, nếu cộng đồng quốc thế không hành động từ nay đến năm 2030 thì ước tính khoảng 700 triệu người có nguy cơ phải di dời do hạn hán vào năm 2040, và cứ 4 trẻ em thì có 1 trẻ sống ở các khu vực phải vật lộn với tình trạng thiếu nước khắc nghiệt, và đến năm 2050, hạn hán có thể ảnh hưởng đến nhiều hơn hơn 3/4 dân số thế giới.

Các chuyên gia cũng ước tính rằng 4,8 – 5,7 tỷ người sẽ sống trong các khu vực khan hiếm nước trong ít nhất một tháng mỗi năm, tăng từ 3,6 tỷ hiện nay. Và tới 216 triệu người có thể buộc phải di cư vào năm 2050, phần lớn do hạn hán và các yếu tố khác bao gồm khan hiếm nước, năng suất cây trồng giảm, mực nước biển dâng cao và dân số quá đông.

Thư ký điều hành UNCCD cho biết: “Chúng ta đang ở ngã ba đường”, đồng thời lưu ý sự cấp thiết phải tập trung vào các giải pháp thay vì theo đuổi các hành động hủy hoại môi trường. “Một trong những giải pháp tốt nhất và gắn kết nhất là phục hồi đất, trong đó có tính đến nhiều yếu tố cơ bản làm suy thoái chu kỳ nước và mất độ phì nhiêu của đất. Chúng ta cần xây dựng và tái thiết cảnh quan của mình tốt hơn, hài hòa với thiên nhiên ở bất cứ đâu có thể và tạo ra các hệ thống sinh thái hoạt động” – ông Thiaw nói thêm.

Các phương pháp tiếp cận chủ động và dựa trên rủi ro

Cũng theo Thư ký điều hành UNCCD, ngoài việc phục hồi, cần phải chuyển từ các phương pháp tiếp cận “ứng phó” và “dựa trên khủng hoảng” sang các phương pháp tiếp cận “chủ động” và “dựa trên rủi ro” để giải quyết tình trạng hạn hán.

Về phần mình, Tổng thư ký WMO Petteri Taalas đã nêu bật các sáng kiến của tổ chức này nhằm chống lại hạn hán như WMO đang nỗ lực mở rộng phạm vi phủ sóng của các dịch vụ cảnh báo sớm, đặc biệt là đối với lũ quét, hạn hán và bão cát và bụi.

Báo cáo mới của UNCCD lưu ý rằng 128 quốc gia đã bày tỏ sự sẵn sàng đạt được hoặc vượt quá mức trung lập về suy thoái đất. Và gần 70 quốc gia đã tham gia vào sáng kiến hạn hán toàn cầu của UNCCD, nhằm chuyển từ cách tiếp cận phản ứng sang chủ động và giảm thiểu rủi ro.

Về vấn đề này, báo cáo cho rằng quyết định của COP15 về hạn hán cần liên quan đến 5 lĩnh vực liên quan, đó là: chính sách hạn hán, cảnh báo sớm, giám sát và đánh giá, chia sẻ và học hỏi kiến thức, quan hệ đối tác và điều phối và tài trợ.

Nâng cao nhận thức cộng đồng về sa mạc hóa và hạn hán

Trước đó, ngày 11/5, UNCCD đã phát động một chiến dịch nâng cao nhận thức của cộng đồng quốc tế mang tên “Vùng đất hạn hán”. Đây là một chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng mới nhằm giới thiệu các giải pháp và khuyến khích hành động toàn cầu chống lại hạn hán.

Chiến dịch sẽ được giới thiệu vào Ngày sa mạc hóa và hạn hán của Liên hợp quốc (17/6), năm nay được tổ chức tại Madrid, Tây Ban Nha.

Thư ký điều hành UNCCD Ibrahim Thiaw nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao nhận thức về sa mạc hóa và hạn hán, đồng thời cho mọi người biết rằng các vấn đề có thể được giải quyết một cách hiệu quả “thông qua sự khéo léo, cam kết và đoàn kết”. Ông kêu gọi tất cả chúng ta phải thực hiện trách nhiệm của mình để bảo đảm sức khỏe của các thế hệ hiện tại và tương lai một cách toàn tâm và không chậm trễ./.

Khánh Linh (Theo UN, AFP, UNCCD)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực