|
Hình minh họa virus gây bệnh đậu mùa khỉ (Nguồn: .freepik.com) |
Cho đến nay, bệnh đậu mùa khỉ đã xuất hiện ở 107 nước, với 26 ca tử vong đã được xác nhận. Mỹ là nước có số ca mắc bệnh đậu mùa khỉ cao nhất thế giới. Theo CDC Mỹ, California là bang có số ca mắc đông nhất của nước này với 5.010 ca, tiếp sau là New York 3.964 ca, Florida 2.55843 ca.
CDC Mỹ khẳng định trong tương lai gần, dịch bệnh này chưa thể xóa sổ tại Mỹ, song hiện nay mức độ lây lan đang dần chậm lại nhờ chương trình tiêm chủng vaccine phòng bệnh được mở rộng và người dân được nâng cao nhận thức về cách phòng tránh bệnh.
Trong khi đó, theo thống kê từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh châu Âu (ECDC), kể từ khi bắt đầu bùng phát bệnh đậu mùa khỉ và tính đến ngày 5/10, có 20.248 trường hợp xác nhận mắc bệnh đậu mùa khỉ đã được báo cáo từ 29 quốc gia châu Âu. Trong đó, năm quốc gia báo cáo nhiều ca bệnh nhất kể từ khi bắt đầu bùng phát là: Tây Ban Nha (7.209 ca), Pháp (3.998 ca), Đức (3.631 ca), Hà Lan (1.215 ca) và Bồ Đào Nha (855 ca).
Bệnh đậu mùa khỉ hiếm khi gây tử vong, với hầu hết các trường hợp sẽ khỏi trong vòng hai đến bốn tuần. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), căn bệnh này có tỷ lệ tử vong khoảng 3% đến 6%. Tuy nhiên, những người bị suy giảm miễn dịch có nhiều khả năng bị bệnh nặng hơn khi bị nhiễm bệnh. Bệnh có thể lây lan khi tiếp xúc gần với người hoặc động vật mắc bệnh, cũng như các đồ vật nhiễm virus gây bệnh. Bệnh đậu mùa khỉ gây ra các tổn thương đau đớn và để lại sẹo, chủ yếu ở mặt, hậu môn và bộ phận sinh dục. Bệnh thường khỏi trong vòng 2-3 tuần, song trong một số ít trường hợp có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng.
Mặc dù virus gây bệnh đậu mùa khỉ có thể lây nhiễm từ động vật sang người, song các chuyên gia y tế nhấn mạnh sự lây lan toàn cầu gần đây là do tiếp xúc gần với người bệnh. Các triệu chứng điển hình của bệnh đậu mùa khỉ bao gồm sốt, đau đầu, đau nhức cơ, mệt mỏi, sưng hạch bạch huyết, phát ban hoặc tổn thương da. /.