Thế giới vừa trải qua tháng 9 nóng nhất trong lịch sử

2023 đang trên đà thiết lập kỷ lục “năm nóng nhất trong lịch sử”
Thứ năm, 05/10/2023 19:42
(ĐCSVN) – Thế giới vừa trải qua tháng 9 với nhiệt độ trung bình cao chưa từng thấy với một biên độ chênh lệch “bất thường”. Thế giới đang trên đà phá vỡ những giới hạn quan trọng về nhiệt độ.
Thế giới đang trên đà phá vỡ những giới hạn quan trọng về nhiệt độ. (Ảnh minh họa: AFP) 

Cơ quan giám sát tình trạng biến khí hậu Copernicus (C3S) của Liên minh châu Âu (EU) ngày 5/10 cho biết, phần lớn thế giới đã trải qua nhiệt độ ấm áp trái mùa vào tháng 9, trong một năm được dự đoán là nóng nhất trong lịch sử loài người, cùng với nhiệt độ toàn cầu được ghi nhận ở mức “nóng nhất” từ trước đến nay vào mùa hè ở Bắc bán cầu.

Báo cáo của C3S cho biết, nền nhiệt trung bình trong tháng 9 vừa qua là 16,38 độ C, cao hơn 0,93 độ C so với mức trung bình của các tháng 9 trong giai đoạn 1991-2020 và cao hơn 0,5 độ C so với mức kỷ lục được ghi nhận trong tháng 9/2020. Các kỷ lục về nhiệt độ thường bị phá vỡ bởi biên độ nhỏ hơn nhiều, chỉ ở mức gần 1/10 độ.

Cũng theo C3S, tháng 9 vừa qua là "tháng ấm áp bất thường nhất" trong tập dữ liệu tính từ năm 1940 và nóng hơn khoảng 1,75 độ C so với mức trung bình tháng 9 trong thời kỳ tiền công nghiệp 1850-1900.

“Chúng ta đã trải qua tháng 9 đáng kinh ngạc nhất từ trước đến nay xét từ góc độ khí hậu. Điều đó thật khó tin” - Giám đốc C3S Carlo Buontempo nói.

Người đứng đầu C3S cảnh báo, biến đổi khí hậu hiện không phải là kịch bản sẽ xảy ra sau 10 năm nữa mà đã thực sự hiện hữu. Đồng quan điểm, Phó giám đốc C3S Samantha Burgess cho biết thêm, nền nhiệt “chưa từng có tiền lệ” trong tháng 9 vừa qua đã phá vỡ các kỷ lục ở một phạm vi “đáng kinh ngạc”.

2023 đang trên đà thiết lập kỷ lục “năm nóng nhất trong lịch sử”

Theo số liệu do C3S công bố, nhiệt độ trung bình toàn cầu từ tháng 1 đến tháng 9 cao hơn 1,4 độ C so với giai đoạn 1850-1900, gần như phá vỡ mục tiêu hạn chế mức tăng của nhiệt độ trái đất trong ngưỡng 1,5 độ C theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu năm 2015. Mức giới hạn này được coi là cần thiết để tránh những hậu quả thảm khốc nhất của biến đổi khí hậu.

Trong khi đó, nhiệt độ trung bình toàn cầu từ tháng 1 đến tháng 9 năm nay cũng cao hơn 0,05 độ C so với cùng kỳ 9 tháng năm 2016 - năm nóng nhất được ghi nhận cho đến nay.

Sự xuất hiện của hiện tượng El Nino đã làm ấm vùng nước ở phía Nam Thái Bình Dương và gây ra thời tiết nóng hơn ở phạm vi xa hơn, có thể khiến nhiệt độ trái đất tiếp tục bị đẩy lên mức nóng kỷ lục trong ba tháng tới. Các nhà khoa học dự đoán những tác động tồi tệ nhất của hiện tượng El Nino hiện tại sẽ được cảm nhận vào cuối năm 2023 và sang năm sau.

“Mặc dù El Nino đóng một vai trò trong hiện tượng nóng lên của trái đất, nhưng không còn nghi ngờ gì nữa, biến đổi khí hậu đã khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn nhiều" - ông Buontempo phân tích.

“Hành động” trở nên cấp bách hơn bao giờ hết

Một cái cây đang còn cháy trong một trận cháy rừng ở Mandra, Hy Lạp. (Ảnh: Reuters/Louiza Vradi )

Không ngoại lệ, châu Âu cũng đã trải qua tháng 9 nóng nhất trong lịch sử với nhiệt độ cao hơn 2,51 độ C so với mức trung bình giai đoạn 1991-2020, với nhiều quốc gia phá kỷ lục nhiệt độ quốc gia trong tháng.

Trong tháng 9, nhiệt độ mặt nước biển trung bình, không bao gồm các vùng cực cũng đạt mức cao nhất mọi thời đại, ở mức 20,92 C.

Các nhà khoa học cho biết nhiệt độ mặt nước biển ấm hơn do biến đổi khí hậu đang khiến các hiện tượng thời tiết cực đoan trở nên dữ dội hơn, với cơn bão Daniel gây ra lũ lụt tàn khốc ở Libya và Hy Lạp vào tháng 9.

Báo cáo của C3S cho biết thêm, băng biển ở Nam Cực vẫn ở mức thấp kỷ lục vào thời điểm này trong năm, trong khi băng biển ở Bắc Cực hàng tháng thấp hơn mức trung bình 18%.

Theo các nhà khoa học, đại dương đã hấp thụ 90% lượng nhiệt dư thừa do hoạt động của con người tạo ra kể từ buổi bình minh của thời đại công nghiệp. Các đại dương ấm hơn cũng khiến khả năng hấp thụ carbon dioxide bị suy giảm, làm trầm trọng thêm vòng tròn luẩn quẩn của hiện tượng nóng lên toàn cầu cũng như phá vỡ các hệ sinh thái mỏng manh.

Những hậu quả ngày càng rõ nét của hiện tượng nóng lên toàn cầu đã trở thành một lời kêu gọi “khẩn cấp” cho những hành động thiết thực, trong bối cảnh ngày 30/11 tới đây, các nhà lãnh đạo thế giới sẽ tập trung tại Dubai tới để dự các cuộc đàm phán nghiêm túc về khí hậu trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh COP28. Những chủ đề chính được thảo luận trong Hội nghị COP28 sẽ là tìm kiếm sự đồng thuận về việc cắt giảm lượng khí thải nhà kính gây ra biến đổi khí hậu, tài trợ cho việc thích ứng và giảm nhẹ cũng như thúc đẩy năng lượng tái tạo.

Trong một tuyên bố đưa ra ngày 4/10, Liên hợp quốc lưu ý đã có “những quan điểm khác nhau” giữa các bên về cách đạt được các mục tiêu trong Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, ngay cả khi họ cũng đã thừa nhận rằng hành động về khí hậu trong quá khứ là chưa đủ.

Trước đó, Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres nhấn mạnh, khái niệm “nóng lên toàn cầu” đã không còn, mà trái đất sẽ phải đối diện với kỷ nguyên kinh khủng hơn nữa mang tên “sôi sục toàn cầu”. Hay nói một cách ví von thì “nhân loại đang ngồi trên ghế nóng”.

Còn Giáo hoàng Francis cũng đã lên tiếng cảnh báo thế giới “đang sụp đổ” do hiện tượng nóng lên toàn cầu, đồng thời kêu gọi các nhà lãnh đạo tham gia COP28 đồng ý với các chính sách ràng buộc về việc loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch.

Trong khi đó, Phó giám đốc C3S Samantha Burgess lại nhấn mạnh tính cấp bách của hành động vì mục tiêu tham vọng trong chống biến đổi khí hậu, trong bối cảnh chỉ còn Hội nghị thượng đỉnh COP28 sẽ diễn ra trong chưa đầy 2 tháng tới./.

Thu Lan (Theo France 24, Japan Times)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực