Thiện chí và thiết thực - Điều cần thiết cho tiến trình hòa bình Trung Đông

Thứ bảy, 02/01/2016 15:29

((ĐCSVN) -  Vào những ngày đầu năm 2016, quan hệ ngoại giao giữa Chính quyền Palestine (PA) và Israel chính thức chấm dứt. Sự kiện này khiến nỗ lực tìm kiếm hòa bình Trung Đông trở lên vô vọng.

Giải thích về lý do "cắt đứt tất cả các mối quan hệ với Israel, bao gồm cả hợp tác an ninh vào đầu năm mới””, ông Erekat, Tổng Thư ký Tổ chức Giải phóng Palestine nhấn mạnh: "để đáp trả những quyết định mới nhất của Chính phủ Israel về việc tiếp tục xây dựng các khu định cư bất hợp pháp cho người Do Thái cũng như việc Do Thái hóa khu vực Jerusalem, Palestine sẽ không chần chừ trong vấn đề này nữa”.


Xung đột và bạo lực giữa Israel và Palestine lúc bùng phát lúc lắng dịu, 
nhưng chưa bao giờ chấm dứt (Ảnh AP)

Đàm phán hòa bình đi vào bế tắc

Năm 2015 đã chứng kiến những nỗ lực vượt bậc của Palestine để được công nhận Nhà nước độc lập. Tuy nhiên, tiến trình hòa bình Trung Đông vẫn "dậm chân tại chỗ", thậm chí còn lâm vào tình trạng bế tắc do quan điểm cứng rắn của Israel cùng với đó là làn sóng bạo lực leo thang nghiêm trọng đã làm dấy lên lo ngại về nguy cơ tái diễn một cuộc nổi dậy (Intifada) lần thứ ba.

Nhìn lại lịch sử, tiến trình đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine đã nhiều lần bị đình trệ rồi lại tái khởi động trong nhiều thập niên qua. Những bất đồng giữa hai bên chủ yếu trong các vấn đề mấu chốt bao gồm: đường biên giới cho nhà nước Palestine trong tương lai, các khu định cư của người Do Thái tại Bờ Tây và Đông Jerusalem, số phận người tỵ nạn Palestine tại các vùng đất do Israel chiếm đóng, quy chế đối với thành phố Jerusalem, vấn đề trao trả tù nhân… Các cuộc đối thoại giữa Israel và Palestine đã gần như sụp đổ kể từ tháng 9-2010, khi Israel từ chối chấm dứt hoạt động xây dựng các khu định cư trên lãnh thổ của người Palestine.

Sau ba năm bế tắc, tiến trình đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine đã được nối lại kể từ tháng 7-2013, nhờ những nỗ lực của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. Khi ông Kerry lên nắm giữ cương vị Ngoại trưởng (từ tháng 2-2013), đến nay ông đã thực hiện tổng cộng hơn 10 chuyến thăm Trung Đông nhằm khôi phục lại tiến trình đàm phán giữa Israel và Palestine. Thông qua những chuyến thăm ngoại giao con thoi liên tục này, đến nay, Israel và Palestine đã tiến hành được khoảng 20 vòng đàm phán.

Trong các vòng đàm phán, Israel-Palestine-Mỹ thống nhất sẽ nỗ lực để tiến tới việc đạt được hiệp định hòa bình cuối cùng giữa Israel và Palestine. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine đã bị đổ vỡ từ tháng 4-2014, sau khi Palestine thông báo việc thành lập một chính phủ đoàn kết với phong trào Hồi giáo Hamas  đang kiểm soát Dải Gaza.

Palestine đã nhiều lần cáo buộc Israel có những động thái khiến quan hệ giữa hai bên xấu đi và làm lộ trình hòa bình đình trệ. Palestine cũng chỉ trích việc Tel Aviv tiếp tục xây các khu định cư Do Thái tại Bờ Tây và Đông Jerusalem - những khu vực vốn dự kiến là một phần của nhà nước Palestine tương lai.

Ngoài vấn đề Israel vẫn tiến hành xây dựng nhà định cư Do Thái, tiến trình đàm phán giữa Israel và Palestine còn bế tắc bởi những vấn đề liên quan đến việc lực lượng an ninh của Israel sẽ tiếp tục đồn trú tại thung lũng chiến lược Jordan ở khu Bờ Tây thêm 10 năm nữa, sau khi một nhà nước Palestine độc lập đã được thiết lập. Thời hạn 10 năm trên là do Mỹ đề xuất nhưng đã bị cả hai phía phản đối. Israel cho rằng thời hạn duy trì 10 năm là quá ngắn trong khi Palestine thì khẳng định sự có mặt tiếp tục của lực lượng an ninh Israel tại khu vực này không được kéo dài quá 3 năm.

 Thất vọng gia tăng, nguy cơ tiềm ẩn

Năm 2015, các nỗ lực không ngừng nghỉ để được công nhận Nhà nước của người Palestine đã đạt thành quả mới, khi Palestine trở thành thành viên của Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) từ ngày 1-4.

Đặc biệt, ngày 30-9 lại đánh một dấu mốc lớn nữa khi Palestine được thượng cờ tại trụ sở Liên hợp quốc với tư cách nhà nước quan sát viên. Đây là sự kiện có ý nghĩa lịch sử đối với nhân dân Palestine sau gần 7 thập kỷ đấu tranh để được công nhận là Nhà nước độc lập bên cạnh Israel. Phát biểu tại lễ thượng cờ, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon gọi sự kiện này là "ngày tự hào đối với người dân Palestine trên toàn thế giới" và là "ngày của hy vọng". Tổng Thư ký Ban Ki-moon nhấn mạnh: "Giờ là lúc phải khôi phục lòng tin của cả người dân Palestine lẫn người dân Israel vào một giải pháp hòa bình để hiện thực hóa giấc mơ hai nhà nước cho hai dân tộc".

Tuy lá cờ của Palestine đã được kéo lên ở Liên hợp quốc, song hy vọng thành lập Nhà nước trên thực tế đang trở nên khó khăn hơn. Chính phủ cánh hữu của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vẫn giữ quan điểm cứng rắn, cho rằng con đường duy nhất để Palestine được công nhận Nhà nước độc lập là thông qua đàm phán với Israel. Trong khi đó, hai bên tiếp tục không tìm được tiếng nói chung trong các tranh cãi mấu chốt, đặc biệt là vấn đề biên giới lãnh thổ và các khu định cư. Bên cạnh đó, Chính quyền Tel Aviv vẫn tiếp tục phớt lờ các điều kiện tiên quyết mà chính quyền Palestine đưa ra để nối lại hòa đàm.

Sự thất vọng đã càng làm gia tăng làn sóng bạo lực và phản kháng của người dân Palestine. Căng thẳng giữa hai bên đã bùng phát từ tháng 9, khi người Palestine phản đối các nhóm người Do Thái tới cầu nguyện tại ngôi đền Al-Aqsa linh thiêng ở thành phố Jerusalem, còn gọi là Núi Đền, vốn là địa điểm tín ngưỡng linh thiêng đối với cả người Do Thái và người Hồi giáo. Sự giận dữ của người Palestine đã chuyển thành các vụ tấn công bằng dao hay bom tự chế nhằm vào người Israel, và đáp lại là các biện pháp quân sự mạnh từ phía Tel Aviv.

Trước sức ép lớn từ phe cứng rắn trong liên minh cầm quyền, Thủ tướng Netanyahu đã triển khai nhiều biện pháp mạnh tay, từ trấn áp, bắt giữ hành chính, phong tỏa các “điểm nóng", đến cấm người lao động Arab tới các trường học, thậm chí cho phép cảnh sát sử dụng đạn thật để trấn áp, hay triển khai thêm nhiều khẩu đội phòng thủ tên lửa Vòm Sắt tại các thành phố miền Nam, và cho xây dựng một bức tường an ninh dài 300 mét tại Đông Jerusalem để bảo vệ người Do Thái.

Tuy nhiên, bất chấp sự huy động lực lượng hùng hậu của Israel, các cuộc biểu tình và phản đối của người Arab và Palestine gia tăng mạnh hơn, khiến giới chức ở Tel Aviv lo ngại nguy cơ tái diễn cuộc nổi dậy (Intifada) chống lại sự chiếm đóng của Israel tại khu Bờ Tây và Dải Gaza. Chỉ trong hơn hai tháng xung đột, hàng trăm người đã thiệt mạng và hàng nghìn người khác bị thương, trong đó chủ yếu là người Palestine.

Dù rằng vẫn còn quá sớm để cho rằng một "Intifada thứ ba" đang bắt đầu, vì quy mô và tính chất cuộc xung đột hiện nay chưa thể so sánh với hai cuộc nổi dậy Intifada vào năm 1980 và 2000, nhưng các chuyên gia cảnh báo chỉ cần xuất hiện thêm một vài diễn biến kịch tính, căng thẳng có thể làm sụp đổ hoàn toàn tiến trình hòa bình Trung Đông, khiến giải pháp hai nhà nước càng trở nên xa vời.

Giải pháp hai nhà nước – với một nhà nước Palestine độc lập sinh sống bên cạnh Israel vẫn là một mục tiêu lớn của các cuộc đàm phán từ năm 1970 và là mối tập trung chính cho những  nỗ lực ngoại giao do Mỹ dẫn đầu trong 20 năm qua.

Tuy nhiên, một khảo sát công bố tháng 9 vừa qua tại Palestine cho thấy, gần 2/3 trong số những người được khảo sát cho biết họ không tin vào giải pháp hai nhà nước bởi vì sự mở rộng định cư của Israel tại Bờ Tây. Những xung đột giữa Israel và Palestine cũng càng trở nên căng thẳng hơn khi bạo lực vẫn xảy ra tại Bờ Tây.

Tiến trình hòa bình Trung Đông chỉ có thể đạt được kết quả khi các bên liên quan đều có thiện chí và hành động tích cực, cùng chia sẻ quan điểm về tầm quan trọng của hòa bình ở khu vực và trên thế giới. Song hành,  nỗ lực của  cộng đồng quốc tế, đặc biệt là vai trò của nhóm Bộ tứ bảo trợ cho tiến trình hòa bình Trung Đông (gồm Nga, Mỹ, Liên hợp quốc và Liên minh châu Âu) cần được nâng lên một cấp độ mới, thiết thực và quyết liệt hơn. Chỉ có như vậy, người dân Palestine và Israel mới mong sớm có thể chung sống yên bình và hòa hợp ở một khu vực vốn đã bất ổn và nhiều mất mát như Trung Đông./.

Tô Chu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực