|
Ảnh minh họa: UNICEF |
Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) ghi nhận trong hai thập kỷ qua, những nỗ lực nhằm giảm tỷ lệ lao động trẻ em đã đạt được nhiều tiến bộ đáng kể. Số lao động trẻ em giảm 85,5 triệu trong giai đoạn 2000-2020, từ 16% xuống 9,6%.Tuy nhiên, những tiến bộ này đã chậm lại theo thời gian. Ngày nay, 160 triệu trẻ em vẫn là nạn nhân của các hình thức bóc lột lao động, thậm chí một số trẻ mới chỉ 5 tuổi.
Trước bối cảnh trên, các hệ thống bảo trợ xã hội của chính phủ đóng vai trò cần thiết để chống lại đói nghèo và tình trạng dễ bị tổn thương, đồng thời xóa bỏ và ngăn chặn lao động trẻ em. Trong khi bảo trợ xã hội vừa giúp bảo đảm quyền con người vừa là công cụ chính sách hiệu quả để ngăn chặn tình trạng bóc lột lao động trẻ em trong thời kỳ khủng hoảng.
Tuy nhiên, tính đến năm 2020 và thậm chí trước khi cuộc khủng hoảng COVID-19 diễn ra, chỉ có 46,9% dân số toàn cầu được hỗ trợ hiệu quả bởi ít nhất một hình thức bảo trợ xã hội trong khi 53,1% còn lại - tương đương 4,1 tỷ người đã bị bỏ lại phía sau và không được bảo vệ. Con số này đối với trẻ em thậm chí còn đáng báo động hơn khi có tới gần 3/4 trẻ em, tương đương với 1,5 tỷ người thiếu sự bảo trợ của xã hội.
Để đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc chấm dứt lao động trẻ em đòi hỏi chúng ta phải tăng cường đầu tư vào các hệ thống bảo trợ xã hội toàn dân, coi đây như một phần của phương pháp tiếp cận tổng hợp và toàn diện để giải quyết vấn đề. Ở cấp độ toàn cầu, chi tiêu quốc gia cho bảo trợ xã hội cho trẻ em chỉ chiếm mức khiêm tốn 1,1% GDP. Ở châu Phi, khu vực có tỷ lệ trẻ em lớn nhất trong dân số, tỷ lệ lao động trẻ em cao nhất và nhu cầu bảo trợ xã hội lớn nhất, thì mức chi cho các hoạt động bảo trợ xã hội cho trẻ em lại chỉ tương đương 0,4% GDP.
Trẻ em trên khắp thế giới thường tham gia vào các hình thức lao động được trả lương và không được trả công mà không gây hại cho chúng. Tuy nhiên, một hình thức lao động được phân loại là lao động trẻ em khi đối tượng tham gia lao động còn quá nhỏ để làm việc hoặc tham gia vào các hoạt động độc hại có thể ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất, tinh thần, xã hội hoặc giáo dục của trẻ nhỏ. Ở các nước kém phát triển nhất, cứ 4 trẻ em (từ 5 đến 17 tuổi) thì lại có hơn một trẻ em tham gia vào những công việc được coi là có hại cho sức khỏe và sự phát triển của chúng.
Hiện châu Phi đang đứng đầu các khu vực trên thế giới trong khi châu Á và Thái Bình Dương đứng thứ hai về tỷ lệ trẻ em lao động trẻ em. Dân số lao động trẻ em còn lại được chia cho châu Mỹ (11 triệu), châu Âu và Trung Á (6 triệu), các quốc gia Ả Rập (1 triệu).
Trong khi tỷ lệ trẻ em lao động trẻ em cao nhất ở các nước thu nhập thấp, thì con số này cũng không kém cạnh là mấy, thậm chí còn cao hơn ở các nước thu nhập trung bình. Theo số liệu thống kê, có tới 9% trẻ em ở các quốc gia có thu nhập trung bình thấp và 7% trẻ em ở các quốc gia có thu nhập trên trung bình, đang là nạn nhân của việc bóc lột lao động trẻ em.
Vào đầu năm 2020, trên phạm vi toàn thế giới, cứ 10 trẻ em từ 5 tuổi trở lên thì có 1 trẻ tham gia lao động trẻ em – với con số ước tính vào khoảng 160 triệu trẻ em, tương đương 63 triệu trẻ em gái và 97 triệu trẻ em trai.
Theo dự báo của các chuyên gia, nếu chúng ta không đưa ra các chiến lược phù hợp, số lượng lao động trẻ em có thể tăng thêm 8,9 triệu vào cuối năm 2022 do tình trạng nghèo đói trở nên nghiêm trọng hơn và tính dễ bị tổn thương gia tăng. Thậm chí nếu tỷ lệ bao phủ bảo trợ xã hội giảm so với mức hiện tại do các biện pháp thắt lưng buộc bụng và các yếu tố khác, số lao động trẻ em có thể tăng thêm tới 46 triệu vào cuối năm 2022.
Mọi trẻ em đều có quyền được chăm sóc sức khỏe, giáo dục, bảo vệ trong khi mọi xã hội đều có vai trò trong việc mở rộng cơ hội sống của trẻ em. Tuy nhiên, trên khắp thế giới, hàng triệu trẻ em đã bị từ chối có được một cơ hội bình đẳng không vì lý do gì khác ngoài quốc gia, giới tính hoặc hoàn cảnh mà chúng được sinh ra. Trong bất kỳ xã hội nào, trẻ em cũng là nhóm dễ bị tổn thương nhất và là đối tượng cần được bảo vệ nhất. Với thời hạn chót thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững vào năm 2025 của Liên hợp quốc về xóa bỏ lao động trẻ em đang đến gần, việc khôi phục những tiến bộ đã đạt được ở nhiều khu vực như thời điểm trước đại dịch COVID-19 đang trở nên cấp bách. Điều đó đòi hỏi mỗi nước cần đưa ra các cam kết cụ thể để mở rộng quy mô hành động, hướng tới việc xóa bỏ lao động trẻ em./.