Thúc đẩy quyền và tự do cơ bản của người tự kỷ
|
Một em bé mắc chứng tự kỷ chơi trên sân chơi của trường học Alpha Learners with Autism ở Cape Town, Nam Phi. (Ảnh: UNICEF/Brian Sokol)
|
“Mặc dù thế giới đã đạt được nhiều tiến bộ quan trọng trong vấn đề này, song những người mắc chứng tự kỷ vẫn tiếp tục đối mặt với các rào cản xã hội và môi trường để thực hiện đầy đủ quyền và tự do cơ bản của họ theo Công ước về quyền của người khuyết tật và Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững” – người đứng đầu Liên hợp quốc nói.
Mặc dù Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững đã thể hiện cam kết thu hẹp bất bình đẳng thông qua hòa nhập xã hội, kinh tế và chính trị cho tất cả mọi người, kể cả người khuyết tật, song ông Guterres chỉ ra rằng, nhiều người mắc chứng tự kỷ vẫn sống cô lập, bị phân biệt đối xử và bị ngắt kết nối với cộng đồng của họ, trong các cơ sở - hoặc thậm chí tại chính căn nhà nơi họ sinh sống.
“Đại dịch COVID-19 đã làm trầm trọng thêm nhiều bất bình đẳng thông qua việc xóa bỏ hoặc giảm các dịch vụ ở trường, tại nhà và trong cộng đồng…. Chúng ta cần đảm bảo rằng các quyền, quan điểm và hạnh phúc của người khuyết tật, bao gồm cả những người mắc chứng tự kỷ, là một phần không thể thiếu trong quá trình xây dựng những điều tốt đẹp hơn sau đại dịch” – người đứng đầu Liên hợp quốc trăn trở.
Từ lập luận trên, ông Guterres cho rằng, chúng ta phải làm tốt hơn nữa bằng cách thúc đẩy giáo dục toàn diện, tạo cơ hội việc làm một cách bình đẳng, quyền tự quyết và xây dựng môi trường - nơi mọi người đều được tôn trọng. “Bên cạnh đó, chúng ta cũng công nhận vai trò của gia đình, những người chăm sóc và mạng lưới hỗ trợ những người mắc chứng tự kỷ” – ông Guterres chỉ rõ.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc công nhận những đóng góp tích cực và đa dạng của người tự kỷ đối với xã hội, ông Guterres kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng chung tay với người tự kỷ để xây dựng thế giới hòa nhập và dễ tiếp cận cho tất cả mọi người.
Trên thế giới có khoảng 1% trẻ em mắc chứng tự kỷ
|
Một cậu bé 4 tuổi mắc chứng tự kỷ ở Campuchia được hỗ trợ tại nhà do trường học đóng cửa trong thời gian đại dịch COVID-19 bùng phát. (Ảnh: UNICEF/Thomas Cristofolett)
|
Ngày Thế giới nhận thức về chứng tự kỷ là ngày được quốc tế công nhận, nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về chứng tự kỷ, thúc đẩy sự hòa nhập với những người tự kỷ. Ngày 18/12/2007, Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết lấy ngày 2/4 hàng năm là Ngày Thế giới nhận thức về chứng tự kỷ, tạo tiền đề để Ngày Thế giới nhận thức về chứng tự kỷ được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2008.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, hiện trên thế giới có khoảng 1% trẻ em mắc chứng tự kỷ. Một số đặc điểm của hội chứng này có thể được phát hiện ngay từ thời thơ ấu. Năng lực và nhu cầu của người tự kỷ rất khác nhau và có thể thay đổi theo thời gian. Một số người tự kỷ có thể sống độc lập, nhưng cũng có người mất năng lực nghiêm trọng, cần sự chăm sóc và hỗ trợ suốt đời.
Dự kiến, vào ngày 8/4 tới đây, Liên hợp quốc sẽ tổ chức một sự kiện trực tuyến để kỷ niệm Ngày Thế giới nhận thức về chứng tự kỷ, với chủ đề "Giáo dục chất lượng toàn diện cho tất cả”.
Bất chấp những tiến bộ trong thập kỷ qua nhằm tăng khả năng tiếp cận giáo dục nói chung và đối với những người mắc chứng tự kỷ nói riêng, đại dịch COVID-19 đã gây ra sự gián đoạn trong học tập. Điều này được cho là nguyên nhân đẩy lùi sự phát triển và làm sâu sắc thêm sự bất bình đẳng trong giáo dục.
Sự kiện năm nay được tổ chức bởi Ban Truyền thông Toàn cầu của Liên hợp quốc (DGC) và Ban Kinh tế và Xã hội của Liên hợp quốc (DESA), với sự hỗ trợ của các đối tác xã hội dân sự bao gồm Mạng lưới vận động tự kỷ, Dự án tự kỷ toàn cầu và Quỹ Specialisterne./.