|
Hội nghị Kiểm điểm lần 10 Hiệp ước không phổ biến hạt nhân. (Ảnh: vov) |
Ông Antonio Guterres tuyên bố: “Từ thảo nguyên của Kazakhstan đến vùng nước trong vắt của Thái Bình Dương, đi qua các sa mạc của Australia, các vụ thử hạt nhân đã và đang đầu độc môi trường tự nhiên của hành tinh chúng ta, cũng như các loài và con người sinh sống ở đó”.
Theo nhà lãnh đạo cấp cao của Liên hợp quốc, ngày này không chỉ là một cách để tưởng nhớ những người đã phải chịu gánh nặng của những trò chơi nguy hiểm mà thế giới đã liều mình, mà còn "gióng lên một tiếng chuông cảnh báo để thế giới cuối cùng đã đặt đúng vị trí một lệnh cấm ràng buộc mang tính pháp lý đối với tất cả các vụ thử hạt nhân”. “Rủi ro hạt nhân đang lên tới tầm cao mới và đã đến lúc Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện có hiệu lực đầy đủ, được hỗ trợ bởi một hệ thống xác minh hiệu quả” – ông Guterres nhấn mạnh.
Rủi ro ngày càng gia tăng
Ngày quốc tế chống lại các vụ thử hạt nhân năm nay diễn ra khi Hội nghị lần thứ 10 kiểm điểm Hiệp ước không phổ biến hạt nhân (NPT) đã kết thúc ngày 26/8 mà không thể ứng phó với những thách thức cấp bách đe dọa an ninh toàn cầu.
Diễn ra 7 năm sau phiên họp gần nhất, hội nghị đã thảo luận sâu rộng về nhiều vấn đề quan trọng, cũng như những chủ đề mới trong cả ba trụ cột chính của Hiệp ước là giải trừ vũ khí hạt nhân, chống phổ biến hạt nhân và sử dụng công nghệ hạt nhân vì mục đích hoà bình. Tuy nhiên, sau 4 tuần thảo luận căng thẳng, kéo dài, với những vấn đề quốc tế lớn, phức tạp đang diễn ra, trong đó có những xung đột, điểm nóng tại một số khu vực, các nước thành viên NPT đã không đạt được nhất trí về văn kiện cuối cùng.
Tổng thư ký Liên hợp quốc cho biết ông thất vọng vì các nước đã không thể đạt được đồng thuận về một "kết quả quan trọng", nắm bắt cơ hội để củng cố và cập nhật hiệp ước đã ký 52 năm trước, hoặc đạt được các mục tiêu của nó.
Người phát ngôn của Tổng thư ký Liên hợp quốc Stéphane Dujarric cho biết: “Môi trường quốc tế căng thẳng và nguy cơ gia tăng sử dụng vũ khí hạt nhân, do ngẫu nhiên hoặc do tính toán sai lầm, đòi hỏi phải có hành động khẩn cấp và kiên quyết”. “Tổng thư ký kêu gọi tất cả các quốc gia sử dụng mọi con đường đối thoại, ngoại giao và đàm phán để xoa dịu căng thẳng, giảm nguy cơ hạt nhân và loại bỏ mối đe dọa hạt nhân một lần và mãi mãi” – ông nói thêm. "Một thế giới không có vũ khí hạt nhân vẫn là ưu tiên giải trừ vũ khí hạt nhân cao nhất của Liên hợp quốc và là mục tiêu mà Tổng thư ký vẫn cam kết vững chắc".
Được ký kết vào năm 1968, Hiệp ước không phổ biến hạt nhân (NPT) bắt đầu có hiệu lực vào năm 1970 để ngăn chặn sự phổ biến VKHN. Cho đến nay, có 191 nước đã ký NPT. Hiệp ước này được các bên ký kết đánh giá 5 năm một lần nhằm ngăn chặn việc phổ biến vũ khí hạt nhân, thúc đẩy giải trừ vũ khí hạt nhân hoàn toàn và đẩy mạnh hợp tác trong việc sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình. NPT hiện là cam kết ràng buộc duy nhất đối với mục tiêu giải trừ quân bị của các quốc gia chính thức sở hữu vũ khí hạt nhân. Nó được xây dựng dựa trên ba trụ cột - giải trừ quân bị, không phổ biến vũ khí hạt nhân và sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình.
Một thế giới không có vũ khí hạt nhân
Do đó, Tổng thư ký Liên hợp quốc tái khẳng định rằng vũ khí hạt nhân “không có chỗ đứng trong thế giới của chúng ta. Chúng không bảo đảm chiến thắng cũng như an ninh. Chúng được tạo ra với mục đích duy nhất là hủy diệt”.
Với việc thế giới "làm con tin cho những động cơ chết chóc này quá lâu", ông António Guterres kêu gọi thế giới hành động "vì sức khỏe và sự sống còn của con người và hành tinh". Ông kết luận: “Hãy để chúng tôi đảm bảo rằng việc thử nghiệm sẽ dừng lại một lần và mãi mãi và vũ khí hạt nhân chắc chắn là dĩ vãng”.
Việc thực hiện một thế giới không vũ khí hạt nhân là một trong những mục tiêu lâu đời nhất của Liên hợp quốc. Vấn đề này, trên thực tế, đã được đề cập từ nghị quyết đầu tiên của Đại hội đồng Liên hợp quốc vào năm 1946. Kể từ đó đến nay, giải giáp vũ khí chung và toàn diện luôn được đưa vào chương trình nghị sự của Đại hội đồng Liên hợp quốc và là một trong những ưu tiên của tổ chức này. Kể từ năm 1975, đây cũng là một vấn đề xuyên suốt tại Hội nghị các Bên tham gia Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân. Năm 1978, phiên họp đặc biệt đầu tiên của Đại hội đồng Liên hợp quốc về giải trừ quân bị tái khẳng định rằng các biện pháp giảm vũ khí hạt nhân có hiệu quả là ưu tiên cao nhất./.