|
Đại hội đồng Liên hợp quốc bắt đầu khóa họp thứ 76. (Ảnh: UN) |
Tuần trước, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc sắp mãn nhiệm Volkan Bozkir cảnh báo rằng thế giới đang “đi sau trong việc giải quyết những thách thức lớn nhất của thế giới và đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững”.
Theo kết quả cuộc bỏ phiếu kín từ hồi đầu tháng 6 vừa qua, ông Abdulla Shahid, Bộ trưởng Ngoại giao Maldives đã trúng cử vị trí Chủ tịch khóa 76 Đại hội đồng Liên hợp quốc. Ông sẽ bắt đầu nhiệm kỳ 1 năm từ khóa họp lần này. Trước khi nhậm chức, ông cam kết "đặt cược vào hy vọng tăng cường khả năng phục hồi để phục hồi từ COVID-19, tái thiết bền vững, đáp ứng nhu cầu của hành tinh, tôn trọng quyền của con người và hồi sinh Tổ chức Liên hợp quốc".
Khóa họp thứ 76 của Liên hợp quốc cũng được thúc đẩy bởi chủ đề môi trường, thông qua Hội nghị Biến đổi Khí hậu (COP26), tại Glasgow vào tháng 11 tới, và các hội nghị cấp cao khác về đa dạng sinh học, sa mạc hóa, năng lượng, giao thông bền vững và hệ thống lương thực.
Phát biểu tại lễ khai mạc khóa họp thứ 76 Đại hội đồng Liên hợp quốc, Tổng thư ký Antonio Guterres nhắc lại rằng thế giới đã bị đánh dấu bởi “những thách thức và chia rẽ to lớn, bởi xung đột và biến đổi khí hậu, bởi sự gia tăng nghèo đói, loại trừ và bất bình đẳng, và bởi một đại dịch tiếp tục đe dọa cuộc sống, sinh kế và tương lai của các quần thể”. Theo ông, "những vấn đề này trở nên trầm trọng hơn do sự chia rẽ làm rạn nứt thế giới của chúng ta" và "bởi khoảng cách giàu nghèo".
Tuy nhiên, theo nhà lãnh đạo cấp cao của Liên hợp quốc, “những thách thức và sự chia rẽ này không phải là một sức mạnh của tự nhiên”, và điều đó có nghĩa là chúng "có thể được sửa chữa", nếu cả thế giới cùng hành động.
Tổng thư ký Antonio Guterres nhấn mạnh: “Trước khi đại dịch xảy ra, thế giới đã không đi đúng hướng để đạt được nhiều mục tiêu phát triển bền vững. COVID-19 đã đưa các mục tiêu của chúng ta ra xa hơn nữa”. “Chúng ta phải tăng tốc. Chúng ta phải đẩy nhanh phản ứng với COVID-19, với vaccine, phương pháp điều trị và thiết bị cho tất cả mọi người, không chỉ cho những người giàu có nhất” – ông nói thêm. “Chúng ta phải đầu tư vào tất cả các hệ thống hỗ trợ sự phát triển của con người: chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng, nước, giáo dục, bảo vệ và bình đẳng đầy đủ cho trẻ em gái và phụ nữ. Chúng tôi cần các quốc gia cam kết và đáp ứng các mục tiêu khí hậu táo bạo tại COP26 ở Glasgow”.
Bên cạnh đó, người đứng đầu Liên hợp quốc cũng kêu gọi chấm dứt chiến tranh trên khắp hành tinh, nhất là trong thời điểm hiện nay khi thế giới có quá nhiều thách thức và chia rẽ trong nhiều lĩnh vực, nhất là khoảng cách giữa người giàu và người nghèo, giữa một bộ phận những người có tất cả điều kiện vật chất tốt nhất và cộng đồng những người không có được những điều kiện sống cơ bản nhất như thức ăn, nước uống và dịch vụ y tế.
Đặc biệt, Tổng thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh khoảng cách lớn giữa những người đã được tiêm chủng trong khi hàng triệu triệu người khác vẫn không thể tiếp cận vaccine COVID-19 và khoảng cách này lại do chính con người tạo ra, do chính các hệ thống kinh tế dựng lên rào cản đối với những người nghèo và những người dễ bị tổn thương nhất.
Tổng thư ký Guterres nêu rõ thế giới cần nỗ lực hơn nữa để đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) mà Liên hợp quốc đã đề ra, nhất là trong bối cảnh nhiều thành tựu về phát triển của thế giới đã bị đẩy lùi khá nhiều do đại dịch COVID-19.
Theo Tổng thư ký Liên hợp quốc, “các cuộc chiến tranh chống nhau rồi cũng phải chấm dứt” và “đã đến lúc phải tập trung chống kẻ thù chung của nhân loại: đại dịch”.
Ông Guterres nhấn mạnh: “Các thành viên của Đại hội đồng phải nói với một tiếng nói: chúng ta cần hòa bình ngay bây giờ. Chúng ta phải thể hiện lại cam kết của mình đối với các giá trị đã thúc đẩy Liên hợp quốc từ ngày đầu tiên”. Theo Tổng thư ký Liên hợp quốc, chủ nghĩa đa phương là cách duy nhất để hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người./.