Tổng thư ký António Guterres cho biết: “Nó cũng cho thấy chúng ta không có khả năng rút ra bài học từ các trường hợp khẩn cấp về y tế gần đây như SARS, cúm gia cầm, Zika, Ebola và những bệnh khác”. Theo ông, COVID-19 “nhắc nhở chúng ta rằng thế giới vẫn còn thiếu sót trong việc chuẩn bị để ngăn chặn dịch bệnh địa phương vượt qua biên giới và biến thành đại dịch toàn cầu".
|
Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19. (Ảnh: Khánh Linh) |
Ngăn chặn các bệnh truyền nhiễm
Lưu ý rằng các bệnh truyền nhiễm vẫn là "mối nguy hiểm rõ ràng và hiện tại đối với tất cả các quốc gia", ông Guterres cho biết COVID-19 sẽ không phải là đại dịch cuối cùng của nhân loại. Ngay cả khi thế giới phản ứng với cuộc khủng hoảng sức khỏe này, Tổng thư ký Liên hợp quốc vẫn nhấn mạnh sự cần thiết phải chuẩn bị cho cuộc khủng hoảng tiếp theo. Ông nói: “Điều này có nghĩa là phải đẩy mạnh đầu tư vào việc cải thiện các kế hoạch giám sát, phát hiện sớm và phản ứng nhanh ở tất cả các quốc gia, đặc biệt là những quốc gia dễ bị tổn thương nhất”.
Theo nhà lãnh đạo cấp cao của Liên hợp quốc, cần tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu ở cấp địa phương để ngăn ngừa tình trạng sụp đổ… bảo đảm tiếp cận công bằng với các can thiệp để cứu được nhiều sự sống, chẳng hạn như vaccine cho tất cả người dân... và đạt được bao phủ y tế toàn dân. Tổng thư ký nêu rõ bằng cách tăng cường đoàn kết toàn cầu, mọi quốc gia sẽ có cơ hội chiến đấu để ngăn chặn các bệnh truyền nhiễm.
Đồng lòng chiến đấu
Đầu tháng này, người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã hoan nghênh quyết định được đưa ra tại một phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng Y tế Thế giới về việc phát triển một hiệp định toàn cầu mới về ngăn ngừa và ứng phó với đại dịch. Mặc dù thừa nhận rằng con đường sẽ còn dài, song ông Tedros Adhanom Ghebreyesus vẫn gọi quyết định này là một "nguyên nhân để ăn mừng và hy vọng".
Theo Tổng giám đốc WHO, vẫn còn những khác biệt liên quan đến quan điểm về nội dung của thỏa thuận mới, nhưng sự đồng thuận đã chứng minh rằng có thể khắc phục được những khác biệt và tìm thấy các điểm chung.
Lây lan nhanh như cháy rừng
Cũng theo Liên hợp quốc, trong khi các trường hợp nhiễm biến thể Omicron mới tiếp tục lan rộng như cháy rừng, thì 70% vaccine phòng COVID-19 đã được phân phối cho 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới, và các nước nghèo nhất không nhận được dù chỉ 0,8% Đây là tình huống "không chỉ bất công" mà còn là mối đe dọa cho toàn bộ hành tinh chúng ta.
Để kết thúc chu kỳ này, Liên hợp quốc đã nhấn mạnh rằng ít nhất 70% dân số của mỗi quốc gia phải được tiêm chủng trong khi chiến lược tiêm chủng của Liên hợp quốc đặt mục tiêu đạt được vào giữa năm 2022. Mặc dù để đạt được điều này cần ít nhất 11 tỷ liều vaccine, nhưng điều đó có thể thực hiện được với điều kiện dành đủ nguồn lực để phân phối.
Tổng thư ký Liên hợp quốc cho biết mỗi trận dịch ở bất cứ nơi nào nó bùng phát đều là một đại dịch tiềm tàng ở bất cứ đâu. Nhân Ngày quốc tế phòng, chống dịch bệnh năm 2021, Tổng thư ký António Guterres kêu gọi “chúng ta hãy dành cho vấn đề này sự quan tâm, chăm sóc và đầu tư xứng đáng"./.