Trẻ em gái – nhân tố không thể thiếu để xây dựng một thế giới bền vững và công bằng

Thứ ba, 11/10/2016 18:09
(ĐCSVN) – Trẻ em gái có quyền được hưởng một cuộc sống an toàn, có sức khỏe và giáo dục tốt, không chỉ trong những năm tháng trưởng thành quan trọng, mà cả khi các em trở thành phụ nữ. Đầu tư cho trẻ em gái không chỉ giúp các em cải thiện được cuộc sống, đồng thời góp phần vào một thế giới hòa bình và thịnh vượng hơn cho tất cả mọi người.


Trẻ em gái – nhân tố không thể thiếu để xây dựng một thế giới bền vững và công bằng. (Ảnh: Khánh Linh)

Ngày 19/12/2011, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã tuyên bố lấy ngày 11/10 hàng năm để kỷ niệm Ngày quốc tế trẻ em gái nhằm nâng cao nhận thức về các quyền của trẻ em gái cũng như những trở ngại đặc biệt mà các em gặp phải trên thế giới. Thêm vào đó, Ngày quốc tế trẻ em gái nhấn mạnh sự cần thiết phải loại bỏ những thách thức mà các trẻ em gái phải đối mặt, thúc đẩy việc trao quyền cho trẻ em gái và tôn trọng quyền con người của các em.

Những cô gái vị thành niên có quyền hưởng một cuộc sống an toàn, có sức khỏe và giáo dục tốt, không chỉ trong những năm tháng trưởng thành quan trọng, mà cả khi các em trở thành phụ nữ. Không thể phủ nhận rằng nếu những trẻ em gái nào được bảo đảm các quyền này trong giai đoạn vị thành niên, các em sẽ có tiềm năng để thay đổi thế giới khi trở thành những người lao động trong tương lai, các bà mẹ, các doanh nhân, cố vấn, người chủ gia đình, và các nhà lãnh đạo chính trị. Đầu tư cho việc hiện thực hóa tiềm năng của các cô gái vị thành niên sẽ cho phép bảo vệ quyền của các em hôm nay và bảo đảm một tương lai công bằng, thịnh vượng hơn - một tương lai mà ở đó, các cô gái sẽ chia sẻ cùng một nửa nhân loại để giải quyết những cuộc khủng hoảng liên quan đến vấn đề biến đổi khí hậu, các cuộc xung đột chính trị, tăng trưởng kinh tế, phòng chống dịch bệnh và phát triển bền vững toàn cầu.

Theo Liên hợp quốc, trong 15 năm qua, cộng đồng quốc tế đã có những tiến bộ đáng kể trong việc cải thiện cuộc sống của trẻ em gái ở tuổi ấu thơ. Năm 2015, những trẻ em gái dưới 10 tuổi có nhiều cơ hội được học tiểu học, được tiêm chủng và ít có khả năng bị các vấn đề về sức khỏe và dinh dưỡng hơn là các thế hệ trước. Tuy nhiên, đầu tư vẫn không đủ để ứng phó với những thách thức mà trẻ em gái phải đối mặt khi các em bước vào giai đoạn 10 năm tiếp theo của cuộc đời. Các em cần có được một nền giáo dục trung học có chất lượng cao hơn, thoát khỏi tình trạng tảo hôn, nhận được thông tin và các dịch vụ liên quan đến tuổi dậy thì và sức khỏe sinh sản, bảo vệ chống lại tình trạng mang thai ngoài ý muốn và các bệnh lây truyền qua đường tình dục, bạo lực giới.

Trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đã và đang nỗ lực triển khai các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) cho 15 năm tới, đây chính là thời điểm để xem xét và nhấn mạnh những bước thực hiện mà ở đó, trẻ em gái được hưởng lợi, cũng như thúc đẩy khát vọng của trẻ em gái từ thủa ấu thơ cho đến khi các em trở thành vị thành niên, để các em có thể phát huy hết tiềm năng của mình và trở thành nhân tố không thể thiếu trong việc xây dựng một thế giới bền vững và công bằng.

Tất cả các chương trình đầu tư cho trẻ em gái, dù là hỗ trợ các em về sức khỏe, giáo dục hay an toàn, đều giúp các em cải thiện được cuộc sống và góp phần vào một thế giới hòa bình, thịnh vượng hơn cho tất cả mọi người.

Đầu tư cho các trẻ em gái không chỉ đơn giản là đầu tư tiền bạc mà còn là những hiểu biết sâu sắc và những hành động vì mục tiêu phát triển của trẻ em gái. Liên hợp quốc lưu ý, những dữ liệu theo tôn giáo, tuổi tác, thu nhập, tình trạng khuyết tật, vị trí địa lý và tình trạng di cư cũng được công bố theo giới nhằm xác định và hỗ trợ các trẻ em gái bị thiệt thòi, nhất tại các châu lục trên thế giới. Nhờ những dữ liệu chắc chắn và cụ thể, các cơ quan chức năng có thể định hướng tập trung các khoản đầu tư và nỗ lực nhằm trao quyền cho các trẻ em gái, để các em có thể trưởng thành, học tập và phát triển.

Đó là lý do tại sao chủ đề của Ngày quốc tế trẻ em gái năm nay (11/10/2016) được lựa chọn là: Các tiến bộ của trẻ em gái = Các tiến bộ hướng tới những mục tiêu phát triển bền vững".

Với chủ đề này, Liên hợp quốc nhấn mạnh, cộng đồng quốc tế cần cùng nhau phát huy tham vọng và tiềm năng của các mục tiêu phát triển bền vững, tạo thuận lợi cho các trẻ em gái; đồng thời nhận thức rõ ràng rằng, những tiến bộ đạt được sẽ không chỉ mang lại lợi ích cho các em, mà còn cho cả các gia đình, cộng đồng và xã hội. Chúng ta phải tận dụng cơ hội này để hiểu được đâu là những lỗ hổng trong các dữ liệu về trẻ em gái, sự thiếu vắng phân tích một cách hệ thống và những hạn chế trong việc sử dụng các dữ liệu hiện có, ngăn cản khả năng của chúng ta trong việc thúc đẩy hạnh phúc cho một nửa thế giới.

Đầu tư cho sức khỏe, an toàn và giáo dục của các trẻ em gái, trong thời gian chiến tranh cũng như hòa bình, giúp các em thực hiện được ước mơ và nắm cuộc sống trong tay. Đầu tư cho các dữ liệu liên quan tới trẻ em gái sẽ giúp các chính phủ và các đối tác cải thiện được khả năng và các hệ thống quốc gia nhằm cho phép họ tiếp nhận, phân tích và cung cấp các dữ liệu về trẻ em gái ở tất cả các nhóm tuổi.

Trong thông điệp đưa ra nhân Ngày quốc tế trẻ em gái năm 2016, Tổng thư ký Liên hợp quốc ban Ki-moon nhấn mạnh: Hạnh phúc, các quyền cơ bản và việc trao quyền cho 1,1 tỷ trẻ em gái trên trái đất của chúng ta hiện nay là những nhân tố thiết yếu để hoàn thành Chương trình phát triển bền vững vào năm 2030. “Khi chúng ta thông qua chương trình này, chúng ta đã cam kết với các cô gái về một nền giáo dục và chăm sóc sức khỏe có chất lượng. Chúng ta cam kết chấm dứt phân biệt đối xử và bạo lực đối với trẻ em gái và chiến đấu chống lại những thực tế tiêu cực như tảo hôn. Chúng ta đã cam kết sẽ không quên bất cứ ai ở bên lề con đường” – ông cho biết.

Tổng thư ký Ban Ki-moon cũng lưu ý, tình trạng tại các ngôi làng, các khu ổ chuột hay trại tị nạn vẫn còn quá nhiều trẻ em gái thường xuyên bị đẩy ra ngoài lề xã hội, không được đặt tên, không được chăm sóc sức khỏe, không được giáo dục thực sự và không được bảo vệ chống lại bất bình đẳng giới.

Trong bối cảnh đó, theo nhà lãnh đạo cấp cao của Liên hợp quốc, đầu tư cho các trẻ em gái vừa là điều phải làm và cũng là một ý tưởng thông minh. Việc đầu tư này có hiệu lực cực mạnh trong tất cả các lĩnh vực phát triển và lợi ích của nó sẽ được chuyển đến các thế hệ tương lai. Tuy nhiên, những gì không thể đo lường thì cũng không thể quản lý. Nếu chúng ta không thu thập các dữ liệu cần thiết thì chúng ta sẽ không bao giờ biết được liệu những cam kết đưa ra có được giữ vững hay không.

Chính vì vậy, Tổng thư ký Ban Ki-moon nhấn mạnh, cần bảo đảm rằng những sáng kiến của thế giới đem lại lợi ích cho tất cả các trẻ em gái: những trẻ em gái trong nghèo đói cùng cực, những trẻ em gái sống ở các vùng nông thôn xa xôi, các em khuyết tật, các em đến từ những cộng đồng thiểu số, những em gái tị nạn hoặc di cư trong nội bộ đất nước. Chúng ta hoàn toàn cần phải có dữ liệu kịp thời và chất lượng, từ đó sẽ cho phép chúng ta biết thế giới đã đạt được tiến bộ hay bị tụt lại phía sau.

Trong một hoạt động hướng tới Ngày quốc tế trẻ em gái, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) ngày 7/10 đã công bố báo cáo cho thấy, các bé gái từ 5 – 14 tuổi đang phải giành nhiều hơn 40% thời gian, tương đương với hơn 160 triệu giờ mỗi ngày để làm các công việc vặt trong nhà so với các bé trai cùng độ tuổi, khiến các em bỏ lỡ nhiều cơ hội học tập và tận hưởng tuổi thơ. Các bé gái trong độ tuổi từ 10 – 14 tại những nước nghèo như: Burkina Faso, Yemen và Somalia đã phải làm những công việc nặng nhọc nhất và không phù hợp với độ tuổi của các em.

Theo Cố vấn cao cấp của UNICEF về bình đẳng giới Anju Malhotra, gánh nặng không công bằng về những công việc gia đình đã đè nặng lên trẻ em gái trong thời thơ ấu và càng nặng nề hơn khi các em đến tuổi vị thành niên. Do đó, các em phải chấp nhận những hy sinh đáng kể và phải từ bỏ học tập, phát triển hoặc chỉ đơn giản chỉ là sống một tuổi thơ trọn vẹn. Ngoài ra, sự phân bố lao động trẻ em không đồng đều cũng đã tạo ra sự rập khuôn về giới tính và làm tăng gấp đôi gánh nặng lên phụ nữ và các trẻ em gái trong nhiều thế hệ.

Bên cạnh những trọng trách trong gia đình, báo cáo của UNICEF cũng đưa ra những dữ liệu và các vấn đề liên quan tới trẻ em gái mà các Mục tiêu phát triển bền vững hướng tới, trong đó, đặc biệt là bạo lực, tảo hôn và giáo dục.

Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc, đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững trong việc loại bỏ các thách thức này và để trẻ em gái có được những kiến thức, kỹ năng và nguồn lực cần thiết nhằm phát huy hết khả năng của mình sẽ phục vụ sự nghiệp của các em, đồng thời góp phần tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy hòa bình và xóa đói giảm nghèo./.

Khánh Linh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực