Thứ ba, 12/01/2021 17:01 (GMT+7)
(ĐCSVN) – Chương trình Phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) ngày 11/1 đã kêu gọi các nước đầu tư nhiều hơn nữa vào cuộc chiến chống lại đại dịch toàn cầu và thông qua một loạt các mục tiêu táo bạo, đầy tham vọng nhưng có thể đạt được trong cuộc chiến chống HIV.
|
Giám đốc Điều hành UNAIDS Winnie Byanyima. (Ảnh: UN) |
Một phân tích gần đây của UNAIDS cho thấy rằng việc không đạt được tiến bộ trong giải quyết kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV sẽ làm suy yếu nỗ lực nhằm đáp ứng các mục tiêu xét nghiệm, điều trị và ức chế virus HIV, dẫn đến có thêm 440.000 ca tử vong do AIDS trong giai đoạn năm 2020 – 2030.
Nghiên cứu này được thực hiện dựa trên các nghiên cứu có sẵn đo lường định lượng tác động tiêu cực của kỳ thị và phân biệt đối xử. Nghiên cứu cũng xem xét tác động của việc hình sự hóa mại dâm, sử dụng ma túy và quan hệ tình dục đồng giới đối với các nỗ lực dự phòng, xét nghiệm và điều trị HIV.
Theo UNAIDS, việc không đạt được tiến bộ trong tất cả các yếu tố xã hội sẽ làm suy yếu nỗ lực đáp ứng các mục tiêu phòng chống HIV, dẫn đến có thêm 2,6 triệu ca nhiễm HIV mới trong cùng thời kỳ.
Hơn 90 quốc gia hình sự hóa việc lây truyền HIV
Vào Ngày Quốc tế Nhân quyền (10/12) vừa qua, Giám đốc Điều hành UNAIDS Winnie Byanyima đã kêu gọi các chính phủ ưu tiên quyền con người để đánh bại đại dịch.
Về vấn đề này, bà Winnie Byanyima cho biết 69 quốc gia tiếp tục hình sự hóa quan hệ tình dục giữa những người cùng giới tính, 92 quốc gia hình sự hóa việc lây truyền HIV, phơi nhiễm với virus và không tiết lộ tình trạng nhiễm HIV, trong khi 32 quốc gia hình sự hóa người chuyển giới.
Cảnh báo này được đưa ra khi một số tổ chức tham gia vào cuộc chiến chống lại bệnh AIDS lo ngại tác động của đại dịch COVID-19 đối với một số nguy cơ nhất định. Theo UNAIDS, phản ứng đối với bệnh AIDS trên toàn cầu đã bị tụt hậu trước khi đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát, và sự lây lan nhanh chóng của virus corona càng làm chậm tiến độ.
Ngoài ra, mô hình dài hạn về tác động của đại dịch đối với việc ứng phó với HIV chỉ ra rằng số ca nhiễm HIV mới và số ca tử vong liên quan đến AIDS trong giai đoạn từ năm 2020 – 2022 sẽ tăng lần lượt từ 123.000 lên 293.000 trường hợp và từ 69.000 lên 148.000 trường hợp.
Theo UNAIDS, ngay cả hiện nay, hơn 12 triệu người vẫn chưa được tiếp cận với điều trị HIV. Khoảng 1,7 triệu ca nhiễm do không được tiếp cận với các dịch vụ thiết yếu đã được ghi nhận vào năm 2019./.
Khánh Linh (Theo UN, UNAIDS)