Từ bỏ “zero COVID-19”, các nước thích ứng “sống chung” với đại dịch

Thứ bảy, 02/10/2021 08:24
(ĐCSVN) – Nhằm thích ứng tốt hơn với tình hình dịch bệnh sau gần 2 năm đại dịch hoành hành, Chính phủ các nước đang khuyến khích người dân chuyển dần sang trạng thái “sống chung” thay vì đạt được mục tiêu “zero COVID-19” (không còn COVID-19) như trước đây.

Từng bước mở cửa các hoạt động với thế giới

Sau một thời gian dài thực hiện các biện pháp phong tỏa, hạn chế đi lại nhằm đảm bảo an toàn cho người dân ít bị ảnh hưởng nhất bởi dịch COVID-19, các nước đang dần dần mở cửa trở lại các hoạt động trong nước cũng như quốc tế, nhằm khôi phục một trạng thái “bình thường mới”.

Từ ngày 1/10, Thái Lan sẽ rút ngắn thời gian giới nghiêm ban đêm, giảm thời gian cách ly bắt buộc đối với những người đã được tiêm đầy đủ vaccine ngừa COVID-19 nhập cảnh xuống còn 7 ngày. Tại thủ đô Bangkok - tâm dịch của Thái Lan trong nhiều tháng qua, do số ca mắc mới trong 1 ngày đã giảm xuống còn 1.500 ca so với mốc hơn 4.000 ca trong 6 tuần trước đó, nên các cơ sở massage, sân vận động, rạp hát và sở thú cũng được phép mở lại song phải tuân thủ các quy định phòng dịch. Các trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích cùng nhiều cơ sở kinh doanh khác cũng đã được kéo dài thời gian mở cửa.  Không chỉ có thủ đô Bangkok, 28 tỉnh được đánh giá là đã khống chế được dịch bệnh cũng đã được phép nới lỏng các hạn chế, trong đó thời gian giới nghiêm ban đêm đã được rút ngắn 1 giờ.

 Thái Lan đang mở cửa dần hoạt động du lịch để đón khách trong nước và quốc tế
(Ảnh: TTXVN)

Đối với khách quốc tế, trong khi du khách nhập cảnh đã tiêm phòng đầy đủ chỉ phải cách ly bắt buộc trong 7 ngày, thì du khách chưa được tiêm phòng đầy đủ sẽ phải cách ly 10 ngày.

Chính phủ Australia ngày 1/10 cho biết, nước này đã sẵn sàng thực hiện các bước tiếp theo để mở cửa trở lại với thế giới một cách an toàn. Với tỷ lệ đã tiêm chủng liều đầu tiên đạt hơn 78% và tỷ lệ đã tiêm hai liều trên toàn quốc đạt 55% và đang trên đà đạt 70% ở một số khu vực trong tuần tới, chính phủ Australia đã và đang hoàn thiện các kế hoạch để các gia đình Australia có thể đoàn tụ, người lao động Australia có thể đi du lịch trong và ngoài đất nước, du khách có thể trở lại Australia.

Trong vòng vài tuần tới, nhiều vùng trên khắp Xứ sở kangaroo sẽ chuyển sang giai đoạn B và sau đó là giai đoạn C trong Kế hoạch Quốc gia để Australia tái mở cửa một cách an toàn và có thể duy trì trạng thái mở cửa an toàn. Trong giai đoạn C, Australia sẽ tiến tới mở cửa trở lại hoạt động đi lại với các nước một cách an toàn cho những hành khách người Australia đã được tiêm chủng đầy đủ. Nhiều quốc gia trên thế giới hiện đã mở cửa trở lại hoạt động đi lại với quốc tế và không bao lâu nữa, Australia sẽ thực hiện bước tiếp theo này.

Ngày 30/9, các bãi biển và bể bơi ở thủ đô La Habana của Cuba, cũng như đại lộ El Malecon nổi tiếng ven biển, đã mở cửa trở lại sau 9 tháng đóng cửa do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.  Truyền thông nhà nước Cuba dẫn thông báo chính thức của Thống đốc La Habana, ông Reynaldo Garcia, cho biết các bãi biển và bể bơi được phép hoạt động 50% công suất nhưng phải đảm bảo thực hiện tất cả các biện pháp phòng, chống dịch. Theo đó, tại các bể bơi và khu vực bãi biển, việc đeo khẩu trang là bắt buộc trừ khi bơi lội. Ngoài ra, chính quyền La Habana cũng cho phép người dân tập thể dục ở những nơi công cộng.

Tuần trước, các nhà hàng, quán bar và địa điểm công cộng khác đã được phép mở cửa trở lại ở 8/15 tỉnh của Cuba nhưng vẫn bị giới hạn công suất hoạt động.

Giới chức Cuba cho biết nước này sẽ mở lại biên giới cho khách du lịch quốc tế từ ngày 15/11 và từng bước mở cửa lại trường học trong tháng 10 và tháng 11. Theo các phương tiện truyền thông nhà nước Cuba, nước này đã có thể mở cửa trở lại sau khi ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 liên tục giảm trong 8 tháng qua cũng như những tiến bộ trong chiến dịch tiêm chủng.

Tại Bỉ, trong một nỗ lực nhằm bảo vệ quyền lợi của những người mắc COVID-19 tại nơi làm việc, Bộ trưởng Y tế Liên bang Bỉ Frank Vandenbroucke mới đây thông báo đã chuẩn bị một dự luật đề xuất công nhận COVID-19 là bệnh nghề nghiệp trong tất cả các lĩnh vực. Hiện văn kiện này đang chờ ý kiến của Hội đồng nhà nước. Điều này sẽ giúp những người lao đọng mắc COVID-19 được giữ 90% lương trong thời gian điều trị tại bệnh viện hoặc dưỡng bệnh tại nhà, đặc biệt là đối với những người mắc hội chứng "COVID-19 kéo dài" (long COVID).  Hiện ở Bỉ, thu nhập do bảo hiểm y tế chi trả cho người lao động trong thời gian nghỉ việc là 60% tổng tiền lương sau 28 ngày nghỉ việc đối với người mắc COVID-19, tương tự những người mắc các bệnh khác.

Nếu COVID-19 được công nhận là bệnh nghề nghiệp, một người mắc bệnh tại nơi làm việc có thể giữ 90% lương. Mọi chi phí bệnh viện cũng sẽ được hoàn trả. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Vandenbroucke, để xác định trường hợp bệnh nhân COVID-19 mắc bệnh nghề nghiệp cần xét 5 tiêu chí. Trong đó, điều kiện chính là ít nhất 5 người được chẩn đoán dương tính với virus SARS-CoV-2 trong 14 ngày qua tại cùng một nơi làm việc. Họ có thể là nhân viên của công ty, khách hàng hoặc nhà cung cấp. Ngoài ra, cần phải chứng minh được rằng những người này đã gặp nhau trong công ty trong khoảng thời gian liên quan.

Hiện tại ở Bỉ, chỉ nhân viên trong lĩnh vực y tế mắc COVID-19 mới có thể được công nhận là mắc bệnh nghề nghiệp. Tuy nhiên, nhiều lĩnh vực cũng chịu ảnh hưởng của căn bệnh này, đặc biệt là số người mắc hội chứng "COVID-19 kéo dài" khá cao.

Tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng để bảo vệ người dân

Nhằm đẩy mạnh tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 đang được cho là khá thấp, nhà chức trách Thụy Sĩ thông báo những ai thuyết phục được bạn bè đi tiêm vaccine có thể được hưởng 1 bữa ăn miễn phí tại nhà hàng hoặc đi xem phim.

Phát biểu với báo giới tại Bern, Bộ trưởng Y tế Thụy Sĩ Alain Berset nhấn mạnh tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại nước này vẫn thấp do đó nhà chức trách chưa thể chấm dứt các biện pháp khống chế dịch bệnh. Do đó, Thụy Sĩ đã đưa ra sáng kiến 150 triệu franc, theo đó, mỗi người tiêm mới sẽ khai báo tên người thuyết phục họ đi tiêm và người này sẽ được nhận 50 franc Thụy Sĩ (54 USD) để đi xem phim hoặc ăn tại nhà hàng.

Chính phủ Thụy Sĩ cũng lên kế hoạch công bố tuần lễ tiêm chủng quốc gia, với 170 điểm tiêm chủng lưu động. Chính phủ Thụy Sĩ nêu rõ dù số ca mắc COVID-19 của nước này giảm, song do vẫn còn một lượng lớn những người chưa có miễn dịch, cùng với sự xuất hiện của biến thể Delta dễ lây lan, nên nước này có nguy cơ hứng chịu làn sóng lây nhiễm mới.

Trong khi đó, tại Mỹ - nơi mà một bộ phận dân chúng vẫn phản đối việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 thì các nỗ lực tiêm chủng đang được đẩy mạnh hơn. Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, ngày càng có thêm nhiều các công ty lớn ở Mỹ ủng hộ quy định bắt buộc tiêm vaccine. Mới đây nhất, ngày 30/9, hãng hàng không United Airlines và công ty thực phẩm Tyson Foods đã có các động thái thể hiện ủng hộ quy định bắt buộc tiêm vaccine, trong khi tập đoàn AT&T mở rộng yêu cầu tiêm đối với các nhân viên trong nghiệp đoàn.

United Airlines cho biết số nhân viên định từ chối tiêm vaccine đã giảm từ 593 người xuống còn 320 người sau khi hãng thông báo kế hoạch sa thải nhân viên nào không tiêm phòng COVID-19. Con số này đồng nghĩa với việc 99,5% nhân viên của United Airlines đã được tiêm, trừ một số người đề nghị miễn vì lý do tôn giáo hoặc sức khỏe.

 Cùng với việc mở cửa nền kinh tế, các nước đồng thời đẩy mạnh chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 để bảo vệ người dân (Ảnh: Getty Images)

Theo một báo cáo của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn Hóa Liên hợp quốc (UNESCO), trước những thách thức, cơ hội và sự cần thiết, khu vực Mỹ Latinh và Caribe cần phải tự sản xuất riêng vaccine để vượt qua đại dịch COVID-19. Sản lượng vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm trên thế giới vẫn còn hạn chế dẫn tới việc chậm chễ trong khâu đảm bảo thời gian giao hàng theo các hợp đồng ký kết. Do vậy, theo UNESCO, phải đến năm 2022 Mỹ Latinh mới có thể hoàn thành tiêm chủng cho 70% dân số.

Báo cáo cho biết nhu cầu dự kiến đối với vắc xin COVID cho năm 2021 là gần 11,5 tỷ liều, chỉ để đáp ứng 75% dân số thế giới và đạt được miễn dịch cộng đồng. Nhưng các công ty dược phẩm đã tuyên bố rằng họ sẽ chỉ có thể sản xuất khoảng 9,5 tỷ USD, ít hơn 18% so với yêu cầu. Một nghiên cứu gần đây của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) chỉ ra rằng đến cuối năm nay, ngành dược phẩm sẽ chỉ sản xuất được 6 tỷ liều, ít hơn 48% so với dự kiến.

Trong khi đó, tại các nước có tỷ lệ tiêm chủng cao, những nỗ lực tiêm phòng cho người dân vẫn được tiếp tục, chẳng hạn như Cuba. Nước này đang nỗ lực tăng tốc để đạt mục tiêu tiêm phòng cho hơn 90% dân số vào giữa tháng 11 tới, sử dụng các vaccine nội địa. Hiện có hơn 70% cư dân thủ đô La Habana, nơi đầu tiên triển khai chiến dịch tiêm phòng trên cả nước, đã được tiêm. Hồi đầu tháng này, Cuba đã đề nghị Tổ chức Y tế thế giới (WHO) bắt đầu đánh giá cấp phép cho các vaccine mà nước này phát triển.

Có thể thấy, vaccine vẫn đang được coi là "chìa khóa" giúp con người có thể "sống chung an toàn với COVID-19,” ngay cả trước những biến thể siêu lây nhiễm như Delta. 

Các chuyên gia dịch bệnh truyền nhiễm và y tế cộng đồng dần nhất trí với quan điểm rằng COVID-19 là căn bệnh mà thế giới sẽ dần phải làm quen, virus sẽ trở nên đặc hữu và không thể bị xóa bỏ. Giờ đây, mỗi nước cần phải tự đánh giá xem họ có thể “chống chịu" với virus ở mức độ nào, thông qua các chiến lược ứng phó với COVID-19 phù hợp mà không làm đứt gãy nền kinh tế, cũng như gây tác động nặng nề tới cuộc sống của người dân./.

Kiều Giang (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực