UNEP: Ô nhiễm môi trường từ việc xuất khẩu xe cũ

Thứ ba, 27/10/2020 16:49
(ĐCSVN) – Hàng triệu ô tô, xe tải và xe buýt nhỏ đã qua sử dụng kém chất lượng được xuất khẩu từ châu Âu, Mỹ và Nhật Bản sang các nước đang phát triển. Điều này đã gây ra ô nhiễm không khí và cản trở nỗ lực giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Đó là thông tin được đưa ra trong báo cáo mà Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) vừa công bố ngày 26/10.

Bà Inger Andersen, Giám đốc điều hành Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) cho biết, việc vệ sinh các bãi xe trên toàn cầu là một ưu tiên để đáp ứng các mục tiêu quốc gia và quốc tế về chất lượng không khí và khí hậu. “Trong những năm qua, các nước phát triển ngày càng xuất khẩu xe đã qua sử dụng sang các nước đang phát triển. Vì phần lớn trong số này diễn ra mà không có quy định nên việc xuất khẩu này đã trở thành xuất khẩu của các phương tiện gây ô nhiễm” – bà nói thêm.

 Giao thông ở trung tâm thành phố Kabul, thủ đô của Afghanistan. (Ảnh: UN)

Báo cáo với nhan đề: “Xe đã qua sử dụng và Môi trường – Nhìn bao quát toàn cầu về xe thương mại hạng nhẹ đã qua sử dụng: Bán lẻ, Quy mô và Quy định” cho thấy trong giai đoạn từ năm 2015 – 2018, 14 triệu xe hạng nhẹ qua sử dụng đã được xuất khẩu trên khắp thế giới. Khoảng 80% số hàng xuất khẩu này đến các nước có thu nhập thấp và trung bình, hơn một nửa trong số đó đến châu Phi.

Báo cáo kêu gọi hành động để thu hẹp khoảng cách chính sách hiện hành và kêu gọi việc áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng tối thiểu hài hòa nhằm bảo đảm rằng các phương tiện đã qua sử dụng sẽ góp phần tạo nên các đội xe sạch hơn và an toàn hơn ở các nước nhập khẩu.

Các bãi xe đang phát triển nhanh chóng là nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu. Trên toàn cầu, lĩnh vực giao thông vận tải chịu trách nhiệm gây ra gần 1/4 lượng phát thải khí nhà kính liên quan đến năng lượng toàn cầu. Cụ thể hơn, khí thải xe cộ là nguồn chính thải ra các hạt mịn (PM2.5) và nitơ oxit (NOx) và là nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí đô thị.

Bán phá giá xe cũ, gây ô nhiễm và nguy hiểm

Giám đốc điều hành UNEP Inger Andersen đánh giá: “Việc thiếu các tiêu chuẩn và quy định hiệu quả tạo điều kiện cho việc bán phá giá các phương tiện cũ, gây ô nhiễm và nguy hiểm”. Theo bà, “các nước phát triển phải ngừng xuất khẩu các loại xe không đáp ứng các tiêu chí về kiểm tra môi trường và an toàn, và không còn được coi là hoạt động tốt tại nước xuất xứ, trong khi các nước nhập khẩu nên công bố tiêu chuẩn chất lượng cao hơn”.

Báo cáo dựa trên phân tích chuyên sâu của 146 quốc gia cho thấy 2/3 trong số đó có chính sách “yếu” hoặc thậm chí “rất yếu” trong việc điều tiết nhập khẩu xe đã qua sử dụng.

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra rằng khi các quốc gia thực hiện các biện pháp quản lý việc nhập khẩu xe đã qua sử dụng, bao gồm cả tiêu chuẩn về tuổi đời và khí thải, thì những biện pháp này cho phép họ tiếp cận với xe đã qua sử dụng có chất lượng tốt, trong đó có xe ô tô hybrid và xe điện, với giá cả phải chăng. Ví dụ, Maroc chỉ cho phép nhập khẩu các loại xe dưới 5 năm tuổi và các loại xe đạt tiêu chuẩn khí thải châu Âu EURO4; do đó, quốc gia này chỉ nhận các loại xe cũ tương đối tinh vi và sạch sẽ từ châu Âu.

Báo cáo cho thấy các quốc gia châu Phi nhập khẩu số lượng xe đã qua sử dụng cao nhất (40%) trong giai đoạn nghiên cứu, tiếp theo là các quốc gia ở Đông Âu (24%), châu Á - Thái Bình Dương (15%), Trung Đông (12%) và châu Mỹ Latinh (9%).

Bán phá giá các phương tiện cũ, gây ô nhiễm và nguy hiểm. (Ảnh: UN)

Thiếu chứng chỉ kiểm tra hợp lệ

Hà Lan, thông qua các cảng của mình, là một trong những nhà xuất khẩu xe đã qua sử dụng từ châu Âu. Một nghiên cứu gần đây do Hà Lan thực hiện về hàng hóa xuất khẩu của họ cho thấy hầu hết các loại xe này không có giấy chứng nhận kiểm tra kỹ thuật hợp lệ tại thời điểm xuất khẩu. Hầu hết các phương tiện đều có tuổi đời từ 16 – 20 và hầu hết đều đạt dưới tiêu chuẩn khí thải EURO4 của Liên minh châu Âu dành cho xe. Ví dụ, độ tuổi trung bình của xe đã qua sử dụng xuất khẩu sang Gambia là gần 19 tuổi, trong khi 1/4 số xe đã qua sử dụng xuất khẩu sang Nigeria là gần 20 tuổi.

Bộ trưởng Môi trường Hà Lan Stientje Van Veldhoven cho biết: “Những kết quả này cho thấy cần phải có hành động khẩn cấp để cải thiện chất lượng của các loại xe đã qua sử dụng xuất khẩu từ châu Âu”. Bà Stientje Van Veldhoven nhấn mạnh: “Hà Lan không thể giải quyết vấn đề này một mình. Đây là lý do tại sao tôi kêu gọi một cách tiếp cận phối hợp của châu Âu và sự hợp tác chặt chẽ giữa các chính phủ châu Âu và châu Phi, để  bảo đảm rằng EU chỉ xuất khẩu các loại xe phù hợp với điểm đến của họ và tuân thủ các tiêu chuẩn do các nước nhập khẩu đặt ra”.

Phương tiện cũ kém chất lượng cũng dẫn đến số vụ tai nạn giao thông đường bộ ngày càng gia tăng. Theo báo cáo, nhiều quốc gia có quy định "rất thấp" hoặc "thấp" đối với xe đã qua sử dụng, chẳng hạn như Malawi, Nigeria, Zimbabwe và Burundi, cũng có tỷ lệ tử vong trên đường rất cao. Các quốc gia đã áp dụng các quy định về phương tiện đã qua sử dụng cũng thấy đội xe của họ an toàn hơn và số vụ tai nạn giảm.

UNEP, với sự hỗ trợ từ Quỹ ủy thác An toàn đường bộ của Liên hợp quốc và các cơ quan khác, góp phần vào sáng kiến mới hỗ trợ đưa ra các tiêu chuẩn tối thiểu cho các phương tiện đã qua sử dụng. Sáng kiến sẽ tập trung chủ yếu vào các quốc gia châu Phi; một số quốc gia châu Phi đã thiết lập các tiêu chuẩn chất lượng tối thiểu, bao gồm Maroc, Algeria, Cote d'Ivoire, Ghana và Mauritius, và nhiều quốc gia khác đã thể hiện sự quan tâm đến việc tham gia sáng kiến.

Giáo sư Kwabena Frimpong-Boateng, Bộ trưởng Bộ Khoa học công nghệ và đổi mới của Ghana, cho biết: “Ảnh hưởng của các phương tiện cũ gây ô nhiễm là rõ ràng. Dữ liệu chất lượng không khí của Accra xác nhận rằng giao thông vận tải là nguồn chính gây ô nhiễm không khí ở các thành phố của chúng ta. Đây là lý do tại sao Ghana đang ưu tiên sử dụng nhiên liệu sạch hơn và tiêu chuẩn phương tiện, cũng như khả năng dùng xe buýt điện”. “Ghana là quốc gia đầu tiên ở khu vực Tây Phi áp dụng nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh thấp và trong tháng này đã áp dụng giới hạn thâm niên 10 năm đối với việc nhập khẩu xe đã qua sử dụng” – ông nói thêm.

Tháng trước, Cộng đồng Kinh tế của các Quốc gia Tây Phi (ECOWAS) đã thiết lập các tiêu chuẩn về nhiên liệu và phương tiện đi lại sạch hơn bắt đầu từ tháng 1/2021. Các thành viên ECOWAS cũng thúc giục việc công bố thêm giới hạn thâm niên cho xe đã qua sử dụng.

Báo cáo kết luận rằng cần có thêm nghiên cứu chi tiết hơn về tác động của việc buôn bán xe đã qua sử dụng, bao gồm cả xe hạng nặng đã qua sử dụng./.

Khánh Linh (Theo UN, UNEP, AFP, Maxiciences)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực