Thứ sáu, 24/02/2023 22:04 (GMT+7)
(ĐCSVN) – Trước cuộc khủng hoảng thông tin trực tuyến hiện nay, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã tổ chức một hội nghị tại Paris vào tuần này để thảo luận về các giải pháp quản lý. Đây là hội nghị toàn cầu đầu tiên bàn về chủ đề này.
|
Ảnh minh họa (Nguồn: UN) |
Hội nghị mang tên "Vì một Internet đáng tin cậy" quy tụ 4.300 người tham gia. Các diễn giả, từ Tổng giám đốc UNESCO Audrey Azoulay đến Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva đến Maria Ressa, người đoạt giải Nobel Hòa bình năm 2021, đều nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết cần có các hướng dẫn toàn cầu chung để cải thiện độ tin cậy của thông tin, đồng thời bảo vệ quyền con người.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng giám đốc UNESCO Audrey Azoulay cảnh báo: “Việc làm mờ ranh giới giữa đúng và sai, phủ nhận có tổ chức chặt chẽ các sự thật khoa học, khuếch đại thông tin sai lệch và âm mưu – tất cả những điều này không bắt nguồn từ mạng xã hội. Nhưng, nếu không có quy định, những điều đó phát triển ở mạng xã hội lại mạnh mẽ hơn nhiều so với sự thật”. Theo bà, chỉ bằng cách thực hiện đầy đủ biện pháp của cuộc cách mạng công nghệ này, chúng ta mới có thể đảm bảo rằng internet không ảnh hưởng tới quyền con người, tự do ngôn luận và dân chủ. “Để thông tin vẫn là lợi ích chung, chúng ta phải cùng nhau suy nghĩ và hành động ngay bây giờ” – bà Audrey Azoulay nhấn mạnh.
Hội nghị "Vì một Internet đáng tin cậy" là một điểm cao trong cuộc đối thoại toàn cầu do UNESCO phát động nhằm phát triển các hướng dẫn toàn cầu đầu tiên về quy định của phương tiện truyền thông xã hội nhằm cải thiện độ tin cậy của thông tin và thúc đẩy các quyền con người. Sau đó, các hướng dẫn sẽ được UNESCO đưa ra vào tháng 9 năm 2023.
Theo nhà báo Maria Ressa, người đoạt giải Nobel Hòa bình năm 2021, nếu chúng ta tiếp tục dung thứ cho các thuật toán truyền thông xã hội dung túng cho những lời nói dối, thì các thế hệ tương lai sẽ thừa hưởng một thế giới mà sự thật bị hạ thấp giá trị một cách nguy hiểm.
Thủ tướng Iceland Katrín Jakobsdóttir cho biết: “Các cuộc thảo luận, giống như những cuộc thảo luận mà chúng ta đang có ở Paris, là rất quan trọng. Và điều quan trọng là phải xác định một bộ hướng dẫn chung về cách điều chỉnh không gian kỹ thuật số này”. Ông nhấn mạnh cần tránh lạm dụng công nghệ vào các mục đích xấu.
Tổng giám đốc UNESCO Audrey Azoulay kêu gọi tất cả các quốc gia tham gia vào các nỗ lực của UNESCO nhằm biến Internet thành một công cụ thực sự phục vụ công chúng và giúp bảo đảm quyền tự do biểu đạt./.
Khánh Linh (Theo UN, AFP)