Nhân viên y tế tiêm phòng cho trẻ em trong chiến dịch phòng chống bệnh sởi và rubella ở Aden, Yemen (Ảnh: UNICEF)
Phát biểu tại một cuộc họp cấp cao của Liên hợp quốc ngày 28/6 nhằm giải quyết vấn đề nêu trên, Giám đốc Điều hành Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) Henrietta Fore cho biết: “Thông tin sai lệch về vaccine nguy hiểm như một dịch bệnh vậy. Nó lây lan nhanh chóng và tạo ra mối đe họa đối với sức khỏe cộng đồng”.
Theo UNICEF, hơn ba thập kỷ qua, thế giới đã chứng kiến những tiến bộ vượt bậc về sức khỏe và hạnh phúc của trẻ em, trong đó việc tiêm chủng đã góp phần làm giảm đáng kể những trường hợp tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi.
Tuy nhiên hiện nay, trên bờ vực loại trừ những dịch bệnh chết người có thể làm ảnh hưởng đến hàng triệu trẻ em, thì hàng loạt thách thức lại nổi lên.
Bất chấp bằng chứng rõ ràng về sức mạnh của vaccine trong việc cứu sống con người và kiểm soát dịch bệnh, hàng triệu trẻ em trên toàn thế giới vẫn bị bỏ lỡ cơ hội tiêm vaccine, đặt các em và cộng đồng nơi các em sinh sống trước nguy cơ bùng phát dịch bệnh.
Các nguyên nhân lý giải tình trạng trên được đưa ra là do hệ thống y tế yếu kém, nghèo đói, xung đột,… đã cản trở việc tiếp cận dịch vụ y tế ban đầu, trong đó có việc tiêm chủng. Hơn thế, sự hoài nghi và tự mãn về tính an toàn và hiệu quả của vaccine đã khiến cho thông tin sai lệch về vaccine bị lan truyền.
UNICEF cho biết, các nhóm chống lại vaccine trên mạng đã lợi dụng sức ảnh hưởng của mạng xã hội, tạo ra sự nhầm lẫn và làm dấy lên nỗi lo sợ của các bậc cha mẹ, do vậy đã làm giảm sự tiếp cận của trẻ em đối với vaccine.
Số liệu của UNICEF cho thấy, vaccine đã cứu sống 3 triệu mạng sống mỗi năm, điều này tương đương với việc cứ mỗi phút lại có 5 người được cứu sống. Tuy nhiên, bà Henrietta Fore cho biết, thế giới cần làm nhiều hơn nữa bởi vì có tới hơn 20 triệu trẻ em đã bị bỏ lỡ cơ hội tiêm vaccine.
UNICEF nhấn mạnh rằng các quốc gia cần đầu tư vào các nguồn lực trong nước và cam kết chính trị về tiêm chủng như là điểm khởi đầu để tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, cũng là góp phần để đảm bảo y tế toàn cầu./.