Vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em: Vấn đề cấp bách toàn cầu

Thứ sáu, 08/10/2021 14:32
(ĐCSVN) - Trẻ em đang là đối tượng chịu nhiều rủi ro vì chưa thể tiếp cận vaccine ngừa COVID-19. Điều này có thể ảnh hưởng lớn đến giáo dục, sức khỏe tâm thần và tương lai của thế hệ trẻ. Các nước trên thế giới đang chuyển dần mục tiêu tiêm chủng sang đối tượng trẻ em.

Lo ngại về biến thể Delta 

Những ngày đầu đại dịch, nhiều chuyên gia cho rằng COVID-19 ít gây nguy kịch cho trẻ em hơn. Tuy nhiên, với sự xuất hiện của biến thể Delta thì điều này không còn đúng nữa. Đây là nhận định của chuyên gia Heather Fernandez, Giám đốc điều hành Tổ chức dịch vụ y tế Solv (Mỹ) và Phó GS Isaac Thomsen, Giám đốc Chương trình thí nghiệm nghiên cứu vaccine Vanderbilt (Mỹ).

Ở thời điểm hiện tại, lượng trẻ em bị lây nhiễm nhiều hơn bất kỳ giai đoạn nào của đại dịch. Chẳng hạn ở Mỹ, có đến 750.000 trẻ nhiễm trong thời gian từ 5/8-2/9. Đến nay, hơn 5,5 triệu trẻ em Mỹ có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, tương đương 15,7% tổng số ca nhiễm.

Tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ vị thành niên luôn là mối quan tâm hàng đầu của các chuyên gia y tế. (Ảnh: Getty Images )

Biến thể Delta không chỉ lan tràn nhanh trong bộ phận dân số trẻ mà còn làm bệnh nguy kịch hơn. Tại Mỹ, các phòng chăm sóc tích cực ở các bệnh viện nhi hoạt động hết công suất, quá tải và thiếu nhân viên y tế. Còn tại Trung Quốc, biến thể Delta đã làm hàng chục trẻ em tại ít nhất 10 trường học ở tỉnh Phúc Kiến bị lây nhiễm.

Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Pfizer, Albert Bourla cho biết trong một thông cáo báo chí: “Chúng tôi mong muốn mở rộng khả năng bảo vệ của vaccine tới nhóm dân số trẻ hơn này, tùy thuộc vào sự cho phép của cơ quan quản lý, đặc biệt là khi chúng tôi theo dõi sự lây lan của biến thể Delta và mối đe dọa đáng kể mà nó gây ra với trẻ em”. 

Vaccine ngừa COVID-19 đã có gần một năm, nhưng phần lớn là dành cho người lớn, trong khi ở trẻ em nguy cơ bị nhiễm bệnh cũng rất cao. Tình trạng thiếu vaccine cho trẻ em đã khiến hàng trăm triệu học sinh toàn cầu bị gián đoạn việc học tập. Điều này không chỉ kéo lùi hàng thập niên tiến bộ về giáo dục, làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận học tập, mà còn ảnh hưởng tới sức khỏe tâm thần và tương lai của cả một thế hệ.

Tuy nhiên, theo giới y khoa, ở tuổi càng trẻ, việc đáp ứng với vaccine càng mạnh nên việc thử nghiệm lâm sàng vaccine cho trẻ em phức tạp hơn và đòi hỏi sự giám sát chặt chẽ hơn. Do đó, khi tính tới tiêm vaccine cho trẻ em, các nhà sản xuất phải có sự điều chỉnh hàm lượng, thậm chí điều chỉnh công thức để không gây ra phản ứng quá mạnh ở trẻ em và ở những người trẻ tuổi.

Các nước đi tiên phong

Cuba trở thành nước đầu tiên trên thế giới khởi động chiến dịch tiêm chủng đại trà cho trẻ em từ 2-11 tuổi, sử dụng vaccine tự sản xuất. Việc chủng ngừa cho nhóm đối tượng này dự kiến kết thúc vào ngày 15/11 tới. Cuối tháng bảy, 42% trẻ em từ 12 tuổi trở lên ở Mỹ và Canada đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine, 32% đã được tiêm đầy đủ hai mũi.

Đan Mạch và Tây Ban Nha đã tiêm ít nhất một mũi vaccine cho hầu hết trẻ em 12 tuổi trở lên. Pháp đã có 67% trẻ em từ 12-17 tuổi được tiêm một mũi vaccine và 54% được tiêm đầy đủ. Đức triển khai tiêm phòng cho tất cả trẻ em từ 12 tuổi trở lên. Na Uy cũng đã tiêm cho trẻ em từ 12 đến 15 tuổi. Italy đặt mục tiêu tiêm chủng cho hầu hết thanh, thiếu niên trước khi trở lại trường học. 

Tại châu Á, Trung Quốc đã tổ chức tiêm vaccine cho học sinh 12-17 tuổi từ đầu tháng 7. Khoảng 30% số trẻ em từ 12-15 tuổi tại Israel đã được tiêm đủ liều. Thái Lan ngày 4/10 bắt đầu chiến dịch tiêm vaccine cho trẻ em từ 12-18 tuổi. Indonesia đẩy nhanh chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho 26,7 triệu học sinh từ 12-17 tuổi. Philippines, Malaysia tiêm cho trẻ từ 12 tuổi trở lên. Đáng chú ý, Campuchia đã tiêm cho trẻ 6-18 tuổi với tỉ lệ gần 90% số trẻ độ tuổi này. 

Sau khi tiêm vaccine ngừa COVID-19, trẻ em có thể gặp những biến chứng như tình trạng viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim, đặc biệt là ở trẻ vị thành niên và thanh thiếu niên nam giới. Thường gặp hơn sau liều thứ hai và trong một vài ngày sau tiêm chủng. Nhưng các dữ liệu cho thấy, tỷ lệ mắc viêm cơ tim là rất nhỏ so với lợi ích thu được khi tiêm vaccine.

Các giải pháp đang được quan tâm

Thứ nhất, trước thực tế trẻ em đang là đối tượng chịu nhiều rủi ro vì chưa được tiêm vaccine, nhiều hãng dược đang gấp rút thử nghiệm tiến tới xin cấp phép tiêm cho trẻ em. Tại Cuba, cơ quan chuyên môn nước này đã hoàn tất quá trình thẩm định chất lượng, độ an toàn của vaccine Soberana 02. Trước đó, các cuộc thử nghiệm lâm sàng khẳng định Soberana đạt hiệu quả 91,2% trong việc ngăn ngừa các triệu chứng nhiễm bệnh ở trẻ em.

Cuối tháng 9, hãng dược Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) đã đệ trình dữ liệu thử nghiệm vaccine lên cơ quan thẩm quyền để xin cấp phép tiêm cho trẻ 5-11 tuổi. Hai hãng này cũng đang tiến hành thử nghiệm vaccine trên trẻ sơ sinh từ 6-24 tháng và trẻ em từ 2-5 tuổi. Hãng Johnson & Johnson đã hoàn thành giai đoạn thử nghiệm 1 và 2. 

Trung Quốc đang thử nghiệm hai loại vaccine của Sinovac và Sinopharm cho trẻ em. Cả hai loại vaccine này đều đã được nước này cấp phép sử dụng khẩn cấp cho trẻ 3-17 tuổi. Các quan chức chính phủ Ấn Độ cho biết việc tiêm chủng cho trẻ từ 12-17 tuổi có bệnh nặng có thể bắt đầu vào tháng 10 với vaccine ZyCoV-D. 

Một số vaccine COVID-19 đã được các quốc gia phê duyệt sử dụng khẩn cấp cho nhóm trẻ em từ 12-17 tuổi, gồm Pfizer, Moderna (Mỹ), Sinovac (Trung Quốc), Soberana 2 (Cuba), Sputnik V (Nga), ZyCoV-D (Ấn Độ). Các loại vaccine cho trẻ sơ sinh hoặc dưới 5 tuổi đang được thử nghiệm hoặc nghiên cứu.

Thứ hai, mở cửa trường học an toàn đang là ưu tiên hàng đầu ở nhiều nước khi tìm cách “sống chung an toàn với COVID-19”. Hồi tháng 6, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Tổ chức Giáo dục, Khoa học, Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã hợp tác xây dựng một khuôn khổ về cách thức mở cửa lại trường học an toàn để tránh “thảm họa thế hệ”.

Nhiều nước có các biện pháp ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm trong trường học nhằm tạo ra những “phòng tuyến” bảo vệ trẻ em. Chính phủ Đức hỗ trợ các bang trang bị hệ thống lọc không khí trong trường học. Nhật Bản sử dụng các ứng dụng theo dõi sức khỏe học sinh. Philippines rút ngắn thời gian buổi học, giới hạn số lượng học sinh. Malaysia thực hiện cơ chế đến trường luân phiên. Việt Nam tích cực tổ chức các lớp học trực tuyến.

Tiến sĩ Leana Wen, tại Trường Y tế công thuộc Đại học George Washington (Mỹ), cho biết nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng trường học có thể ít nguy cơ lây lan COVID-19 hơn so với cộng đồng xung quanh nếu tuân thủ hướng dẫn y tế công cộng và áp dụng chiến lược bảo vệ nhiều lớp như tiêm chủng, cải thiện hệ thống thông gió, đeo khẩu trang, rửa tay, cho trẻ nghỉ học…

Thứ ba, các chính phủ đẩy mạnh truyền thông chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19, tạo tâm lý cho phụ huynh sẵn sàng cho con em tiêm chủng, khắc phục tâm lý e ngại tiêm vaccine. Tại Thái Lan, một cuộc khảo sát cho thấy hơn 90% phụ huynh sẵn sàng cho con em mình đi tiêm chủng. Đến nay, 33.047 học sinh, tương đương 88,2% học sinh tại Bangkok (BMA) đã đăng ký tiêm vaccine. Trong khi đó,  42% phụ huynh có con dưới 12 tuổi ở Mỹ còn đang lưỡng lự về việc chủng ngừa COVID-19 cho trẻ.

Thứ tư, đảm bảo quyền tiếp cận công bằng trên toàn cầu đối với vaccine COVID-19 cho trẻ em thông qua Cơ chế COVAX. UNICEF là tổ chức thay mặt Cơ chế COVAX Toàn cầu đảm nhiệm hoạt động này. Cùng với việc đẩy mạnh tiêm vaccine, UNICEF kêu gọi các chính phủ hành động để thúc đẩy sức khỏe tâm thần của tất cả trẻ em, thanh thiếu niên và những người chăm sóc trẻ em, bảo vệ những người cần giúp đỡ và hỗ trợ những người dễ bị tổn thương nhất./.

Nguyễn Nhâm

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực