Vẫn còn 1/3 dân số thế giới chưa được tiêm vaccine ngừa COVID-19
Thứ năm, 31/03/2022 15:30 (GMT+7)
(ĐCSVN) – Vẫn còn 1/3 dân số thế giới chưa được tiêm vaccine ngừa COVID-19, trong đó có tới 83% là người dân ở châu Phi. Theo thống kê của WHO, châu Phi hiện mới chỉ tiêm phòng đầy đủ cho khoảng 15% số người trưởng thành.
Đây là thông tin được đưa ra bởi Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 30/3. Ông Tedros cho rằng, đây là điều “không thể chấp nhận được”. “Nếu người giàu trên thế giới đang hưởng thụ các lợi ích từ việc bao phủ vaccine, thì tại sao người nghèo trên thế giới lại không?”, người đứng đầu WHO cho biết.
|
Nhân viên y tế chuẩn bị tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại một ngôi làng ở Kasungu, Malawi. (Ảnh: UNICEF) |
Theo thống kê của WHO, châu Phi hiện mới chỉ tiêm phòng đầy đủ cho khoảng 15% số người trưởng thành. Trong tháng 2 vừa qua, châu Phi đã triển khai tiêm tổng cộng 62 triệu liều vaccine, tăng so với 54 triệu liều trong tháng 1. Sự gia tăng này chủ yếu được thúc đẩy bởi các chiến dịch tiêm vaccine ở một số quốc gia đông dân như: Cộng hòa dân chủ Congo, Ethiopia, Kenya và Nigeria.
Để thúc đẩy việc sử dụng vaccine ngừa COVID-19 ở châu Phi, WHO, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI) và các đối tác đang hỗ trợ các đợt tiêm chủng đại trà ở ít nhất 10 quốc gia ưu tiên để tiếp cận 100 triệu người dân vào cuối tháng 4/2022.
Phát biểu về vấn đề này, Giám đốc WHO khu vực châu Phi - Tiến sĩ Matshidiso Moeti cho biết, các chiến dịch tiêm chủng đã tạo động lực tích cực cho cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 ở châu lục nghèo nhất thế giới. Tuy nhiên, châu Phi vẫn cần phải tăng gấp 9 lần tốc độ tiêm chủng hiện nay nếu muốn đạt được mục tiêu chủng ngừa cho 70% dân số vào tháng 6 tới.
Theo bà Moeti, mặc dù số ca mắc COVID-19 ở châu Phi có dấu hiệu giảm, nhưng điều này không báo hiệu sự kết thúc của đại dịch và châu Phi cần tận dụng tối đa thời gian này để bảo vệ càng nhiều người càng tốt bằng vaccine nhằm ngăn nguy cơ dịch bùng phát trở lại./.
KG (theo UN, WHO)