“Cơ may cuối cùng và tốt nhất”
Thế giới đang phải đối mặt với những hậu quả nặng nề của BĐKH mà nguyên nhân là do khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Nếu không có biện pháp quyết liệt để cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, nhiệt độ trung bình bề mặt Trái đất tới năm 2050 có thể tăng khoảng 2 độ C so với nhiệt độ trung bình vào thời kỳ tiền công nghiệp. Mực nước biển cũng sẽ tăng lên 0,5m trong thế kỷ 21 và có nguy cơ tăng lên gần 2m vào năm 2300.
|
Việt Nam cam kết mạnh mẽ, đóng góp thiết thực, hiệu quả chống biến đổi khí hậu.
Ảnh: vietnamnet.vn
|
Theo báo cáo công bố ngày 26/10 của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc, nếu các quốc gia không tăng cường các cam kết về khí hậu của mình, cơ hội xây dựng lại tốt hơn này sẽ bị phung phí và nhiệt độ Trái đất sẽ có thể tăng ít nhất là 2,7 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Báo cáo đã chỉ ra các nước cần cắt giảm phát thải CO2 ở mức 45% để đảm bảo mục tiêu kiềm chế sự tăng nhiệt độ Trái đất là 1,5 độ C.
Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH (COP26), tại Glasgow (Scotland, Vương quốc Anh), được xem là cơ hội để đoàn kết thế giới trong nỗ lực thực hiện cam kết giới hạn sự nóng lên trên toàn cầu theo Hiệp định Paris, thậm chí là “cơ may cuối cùng và tốt nhất” để khống chế mức tăng nhiệt toàn cầu ở 1,5 độ C.
Có 4 vấn đề chính được đặc biệt quan tâm tại COP26, gồm: Giải pháp đạt được mục tiêu trung hòa khí thải carbon vào giữa thế kỷ 21; Đảm bảo duy trì mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở dưới 1,5 độ C trong giai đoạn công nghiệp hóa; Bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên; Đảm bảo quỹ tài chính về BĐKH; Kế hoạch chi tiết thực hiện Hiệp định Paris 2015. Sau khi kéo dài thêm một ngày so với lịch trình, COP26 đã kết thúc bằng một thỏa thuận đạt được nhằm mục tiêu hạn chế tình trạng gia tăng nhiệt độ gây nguy hiểm trên toàn cầu.
Việt Nam là một trong 10 quốc gia được đánh giá bị tổn thương lớn nhất do tác động của BĐKH với biểu hiện rõ rệt là nước biển dâng và xâm nhập mặn. Trong những năm gần đây, do tác động của BĐKH, tính chất cực đoan và tính dị thường của các hình thái thiên tai ngày càng phổ biến. Việt Nam thường xuyên phải chống chịu với nhiều loại thiên tai, nhất là bão, lũ, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn, với những diễn biến hết sức bất thường. Suốt hơn 30 năm qua, trung bình mỗi năm, thiên tai làm thiệt hại về kinh tế khoảng 1-1,5% GDP.
Theo tính toán kịch bản BĐKH, đến cuối thế kỷ 21, nhiệt độ tăng khoảng 3,4 độ C, mực nước biển tăng thêm 1m, sẽ có khoảng 40% diện tích đất Đồng bằng sông Cửu Long bị ngập vĩnh viễn, khoảng 10% dân số bị ảnh hưởng trực tiếp do mất đất. Đồng bằng sông Hồng sẽ có 240.000 ha đất sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng. Đối với vùng ven biển, ảnh hưởng của BĐKH lớn nhất là bão, áp thấp nhiệt đới và tình trạng hạn hán, lũ lụt, sạt lở đất diễn ra mạnh mẽ hơn.
Việt Nam đóng góp thiết thực, hiệu quả
Chính phủ Việt Nam nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong việc thực hiện các giải pháp kìm hãm tốc độ nóng lên của Trái đất. Tại COP26, các cam kết và quyết tâm mạnh mẽ của Việt nam đã được đưa ra.
Thứ nhất, ứng phó với BĐKH, phục hồi tự nhiên phải trở thành ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển, là tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của mọi cấp, mọi ngành, mọi doanh nghiệp và người dân. Mọi hành động phải dựa vào tự nhiên và lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể và động lực phát triển bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau.
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26).
Ảnh: Dương Giang - TTXVN
|
Thứ hai, Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ hơn nữa bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050”.
Thứ ba, tài chính khí hậu, chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực đóng vai trò rất quan trọng để thực hiện thành công Thỏa thuận Paris. Và “để chiến thắng trong cuộc chiến toàn cầu với BĐKH, đoàn kết toàn cầu là cách thức duy nhất”.
Không chỉ đưa ra các cam kết, Việt nam đã và đang có các hành động thiết thực và hiệu quả, góp phần vào cuộc chiến chống BĐKH toàn cầu. Việt Nam đã ban hành nhiều kế hoạch, chương trình hành động ứng phó với BĐKH như: Chiến lược quốc gia về BĐKH; Chương trình mục tiêu ứng phó với BĐKH và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020; Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH; đề án quản lý phát thải khí nhà kính; Kế hoạch quốc gia thích ứng với BĐKH giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050...
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng luật hóa các vấn đề ứng phó với BĐKH như: Luật Phòng chống thiên tai, Luật Thủy lợi, Luật Tài nguyên nước, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Bảo vệ Môi trường. Việt Nam cũng phát triển và nhân rộng các mô hình thích ứng với BĐKH dựa trên hệ sinh thái, dựa vào cộng đồng và dựa vào tự nhiên.
Với tư cách là một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã tham gia ký Công ước khí hậu ngày 11/6/1992 và Nghị định thư Kyoto ngày 3/12/1998. Việt Nam cũng đã ký Thỏa thuận Paris về BĐKH vào ngày 22/4/2016.
Một số mục tiêu, nhiệm vụ, chỉ tiêu chính của Chiến lược quốc gia về BĐKH thời kỳ 2011-2020 đã đạt được kết quả quan trọng. Lượng phát thải khí nhà kính trong các hoạt động năng lượng giảm 12,9% so với phương án phát triển bình thường. Cùng với đó, tiêu hao năng lượng tính trên GDP giảm bình quân 1,8%/năm; tỷ lệ doanh nghiệp công nghiệp có nhận thức về sản xuất sạch hơn đã tăng từ 28% năm 2010 lên 46,9% năm 2020; tỷ lệ che phủ rừng năm 2020 đạt 42%.
Để định hướng cho thời kỳ mới, Đại hội XIII của Đảng nhận định BĐKH là vấn đề toàn cầu và là một trong những thách thức lớn mà Việt Nam phải đối mặt; BĐKH sẽ gay gắt, phức tạp, gây ra nhiều hệ lụy đối với sự phát triển của đất nước. Từ đó xác định “Chủ động thích ứng với BĐKH, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh” là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 và là một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng.
Ngày 1/10 vừa qua, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Theo đó, đến năm 2030, cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP giảm ít nhất 15% so với năm 2014 và đến năm 2050, cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP giảm ít nhất 30%. Đây là nền tảng để Việt Nam có thể tiên phong trong khu vực về tăng trưởng xanh, đóng góp thiết thực, hiệu quả cho mục tiêu chung của thế giới.
Mới đây, ngày 22/10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt Kế hoạch hành động thực hiện Quyết định số 324/QĐ-TTg ngày 02/03/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với BĐKH vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Có thể thấy, “Việt Nam đang hết sức nỗ lực để vừa ứng phó với BĐKH, vừa phát triển kinh tế để vươn lên, bảo đảm cuộc sống ngày càng tốt hơn cho mọi người dân, đồng thời đóng góp có trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế” như lời của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính./.