|
Tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Peru. (Ảnh: UNICEF) |
Tiến sĩ Tedros Adhanom Gebreyesus cho biết chúng ta đang ở trong bối cảnh đại dịch gia tăng theo hai chiều hướng, nơi hoàn cảnh của những người giàu có và bần cùng, trong và giữa các quốc gia, ngày càng khác nhau. Trong khi biến thể Delta đang lây lan nhanh chóng ở những nơi có tỷ lệ tiêm chủng cao, tình hình đặc biệt tồi tệ ở các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp. “Delta và các biến thể có khả năng lây truyền cao khác đang gây ra làn sóng các ca bệnh thảm khốc, dẫn đến số người nhập viện và tử vong cao” – ông Tedros Adhanom Gebreyesus lưu ý, đồng thời nêu rõ ngay cả những quốc gia từng chống chọi với những đợt virus đầu tiên chỉ thông qua các biện pháp y tế công cộng cũng đang ở trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành.
Thêm vào đó, người đứng đầu WHO cũng cho biết ở các quốc gia có thu nhập thấp, các nhân viên y tế đang kiệt sức và vẫn phải chiến đấu để cứu lấy các sự sống mặc dù thiếu thiết bị bảo hộ cá nhân, máy thở oxy và điều trị.
Biến thể Delta hiện có mặt ở hơn 104 quốc gia và WHO cảnh báo nó sẽ sớm trở thành chủng COVID-19 lưu hành trên thế giới.
Tiến sĩ Tedros giải thích rằng chỉ riêng vaccine chưa bao giờ là cách thoát khỏi cuộc khủng hoảng, nhưng làn sóng hiện tại đang chứng tỏ vaccine là “công cụ mạnh mẽ” như thế nào. “Chúng ta đang gặp phải tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng ngày càng tồi tệ, đe dọa hơn nữa đến cuộc sống, sinh kế và sự phục hồi kinh tế toàn cầu lành mạnh. Nó chắc chắn còn tồi tệ hơn ở những nơi có rất ít vaccine, nhưng đại dịch vẫn chưa kết thúc, ở bất cứ nơi đâu” – ông nói.
Người đứng đầu WHO chỉ rõ sự chênh lệch trong nguồn cung vaccine trên thế giới khi cho biết: “Một số quốc gia và khu vực đang đặt hàng hàng triệu liều tăng cường trước khi các quốc gia khác có nguồn cung cấp để tiêm chủng cho nhân viên y tế và những người dễ bị tổn thương nhất”.
Thêm vào đó, theo WHO, dữ liệu cho thấy việc tiêm chủng cung cấp khả năng miễn dịch lâu dài chống lại các biến thể nghiêm trọng và gây tử vong của COVID-19.
Tổng giám đốc WHO cho rằng các công ty dược phẩm như Moderna hay Pfizer, thay vì ưu tiên cung cấp vaccine tăng cường cho các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng tương đối cao, thì họ nên làm mọi thứ tốt hơn để bảo đảm cung cấp cho COVAX. Người đứng đầu WHO kêu gọi hàng chục triệu liều vaccine, vốn đang bắt đầu được chuyển đến, cần nhanh hơn. Theo ông, thật là “thất vọng” khi thấy các nước đã tiêm hai liều cho hầu hết dân số lại đang nghĩ đến liều thứ ba. “Thực tế, nó không có ý nghĩa gì” – ông nhấn mạnh.
Tiến sĩ Tedros cũng giải thích rằng việc chia sẻ vaccine không nhất thiết có nghĩa là tiêm vaccine miễn phí. “Tôi có một danh sách các quốc gia nói rằng họ có tiền và có thể trả tiền, nhưng không có vaccine… Thế giới có đủ khả năng để tăng sản lượng một cách nhanh chóng, điều còn thiếu là sự dẫn đầu toàn cầu” – ông nói thêm. Tổng giám đốc WHO cho biết các công ty dược phẩm cần phải chia sẻ giấy phép, bí quyết và công nghệ của họ. Ông nói rằng không thể có chuyện tiêm chủng cho các nước thu nhập thấp vào năm 2023 khi đã có các công cụ để giúp họ ngay bây giờ.
Về phần mình, bà Ann Lindstrand, chuyên gia của WHO, giải thích rằng hiện tại không có đủ bằng chứng chỉ ra sự cần thiết của liều tăng cường. Bà giải thích: “Nếu bạn có một chu kỳ tiêm chủng đầy đủ với một trong những loại vaccine đã được WHO phê duyệt, bạn có khả năng bảo vệ tốt”.
Tiến sĩ Soumiya Swaminathan, trưởng nhóm nghiên cứu khoa học của WHO, cũng cho biết, mặc dù đã có sự gia tăng số ca nhiễm trong số những người được tiêm chủng, nhưng không có thêm trường hợp nhập viện nào. Chuyên gia của WHO nhắc lại rằng các quyết định về liều tăng cường nên được thực hiện trên cơ sở dữ liệu, chứ không phải "các công ty nói rằng chúng tôi cần liều thứ ba”./.