|
Học sinh đeo khẩu trang để bảo vệ mình khỏi COVID-19 ở Madagascar. (Ảnh: UN) |
Phát biểu tại một cuộc họp báo, ông Tedros chỉ ra Ủy ban Khẩn cấp về COVID-19 đã kết luận vào ngày 8/7 vừa qua rằng "virus vẫn là một tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng được quốc tế quan tâm". Và trong khi thừa nhận rằng chúng ta đang ở một vị trí tốt hơn nhiều so với lúc bắt đầu đại dịch, ông nhắc lại rằng những đợt sóng mới chứng tỏ rằng đại dịch COVID-19 "còn lâu mới kết thúc".
Tiến sĩ Tedros đã mô tả những thách thức liên quan đến nhau hiện nay do virus gây ra, bắt đầu với các biến phụ Omicron BA.4 và BA.5, tiếp tục gây ra làn sóng ca bệnh, nhập viện và tử vong trên khắp thế giới. Ông nhận thấy rằng việc giảm giám sát, bao gồm cả xét nghiệm và giải trình tự, khiến việc đánh giá tác động của các biến thể đối với sự lây truyền, đặc điểm của bệnh ngày càng khó khăn. Thêm vào đó, Tổng giám đốc WHO cũng lưu ý rằng việc chẩn đoán, điều trị và vaccine đang được triển khai chưa hiệu quả. Ông nói: “Virus lưu hành dễ dàng và các quốc gia không quản lý hiệu quả gánh nặng bệnh tật theo khả năng của mình, cả về tỷ lệ nhập viện đối với các ca cấp tính và số người mắc bệnh sau COVID-19 ngày càng tăng, thường được gọi là COVID-19 kéo dài”.
Nhận thức về các rủi ro
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus lưu ý rằng không có kết nối trong nhận thức về rủi ro liên quan đến COVID-19 giữa các cộng đồng khoa học, các nhà lãnh đạo chính trị và công chúng. Theo ông, có một “thách thức kép là trao đổi về các nguy cơ và xây dựng niềm tin của cộng đồng vào các công cụ y tế và các biện pháp xã hội về sức khỏe cộng đồng như đeo khẩu trang, cách xa và thông gió”. Người đứng đầu WHO lập luận rằng không nên coi các công cụ đã ngăn ngừa lây nhiễm, nhập viện và tử vong là điều hiển nhiên và cần tiếp tục sử dụng các quy trình thử nghiệm và điều trị.
Ông nhấn mạnh tại cuộc họp các Bộ trưởng Tài chính G20 vào tuần tới cần đưa ra bàn bạc về việc các chính phủ tài trợ cho WHO và cơ chế công bằng vaccine ACT-Accelerator; xem xét và điều chỉnh các chương trình đáp ứng COVID-19 dựa trên dịch tễ học hiện tại; đảo ngược việc giảm giám sát và kiểm tra; và chia sẻ hiệu quả thuốc chống virus.
Tiến sĩ Tedros nhấn mạnh rằng việc lập kế hoạch và ứng phó với COVID-19 cũng phải đi đôi với việc tiêm chủng chống lại các bệnh chết người như sởi, viêm phổi và tiêu chảy.
Chống lại bệnh đậu mùa khỉ
Về bệnh đậu mùa khỉ, người đứng đầu WHO cho biết hiện có 9.200 trường hợp ở 63 quốc gia.
Tuần tới, Ủy ban Khẩn cấp dịch bệnh sẽ họp lại để xem xét các xu hướng, sự thành công của các biện pháp ứng phó cho đến nay và các bước tiếp theo để giải quyết sự bùng phát của bệnh này.
Trong thời gian chờ đợi, WHO tiếp tục chống lại sự kỳ thị đối với virus, phối hợp chia sẻ vaccine và thúc đẩy nghiên cứu và phát triển.
Ông Tedros nhấn mạnh rằng “chúng ta phải làm việc để ngăn chặn sự lây truyền và khuyên các chính phủ thực hiện theo dõi tiếp xúc để giúp theo dõi và ngăn chặn virus cũng như giúp những người bị cách ly”./.