WHO cảnh báo nắng nóng cực đoan ở châu Âu

Thứ tư, 19/07/2023 09:15
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) – Ngày 18/7, Giám đốc khu vực châu Âu của WHO – ông Hans Henri P. Kluge đã đưa ra một lời kêu gọi “cấp bách và tuyệt vọng” nhằm ứng phó với khủng hoảng khí hậu, viện dẫn số ca tử vong ở châu Âu ghi nhận được trong đợt nắng nóng gay gắt hồi năm ngoái đã lên tới 60.000 trường hợp.

Nắng nóng cực đoan ở châu Âu sẽ tăng theo từng năm

Một cậu bé dội nước lên đầu để giải nhiệt tại đài phun nước ở quảng trường Piazza del Popolo tại thủ đô Rome (Italia). (Ảnh: Tiziana Fabi/AFP)

Theo cảnh báo của quan chức WHO, số ca tử vong do nắng nóng cực đoan sẽ còn tiếp tục tăng theo từng năm. Trong đó, “khu vực nguy hiểm" hiện tại bao gồm phía Nam và Đông châu Âu. Qua đó, ông Kluge kêu gọi người dân khu vực này cần thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết, tuân thủ theo các khuyến nghị và bảo vệ bản thân trước các rủi ro sức khỏe liên quan tới thời tiết, dựa trên các nguồn thông tin uy tín.

“Ngoài việc thích nghi với thực tế mới vào mùa hè này, chúng ta phải lường trước tình hình trong những năm và thập kỷ tới… Có một nhu cầu hành động tuyệt vọng và cấp bách ở cấp độ toàn cầu và khu vực để giải quyết hiệu quả cuộc khủng hoảng khí hậu vốn đang gây ra những mối đe dọa hiện hữu đối với loài người” – ông Kluge nói.

Đề cập tới giải pháp trong dài hạn, quan chức của WHO tin rằng, việc thông qua Tuyên bố Budapest, trong đó ưu tiên hành động khẩn cấp, trên diện rộng nhằm ứng phó với các thách thức sức khỏe liên quan đến biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường… tại Khu vực Châu Âu của WHO sẽ góp phần giải quyết "những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu đối với hệ thống y tế và sức khỏe".

Bên cạnh đó, ông Kluge cũng nhấn mạnh vai trò của những người trẻ tuổi trong hiện thực hóa Tuyên bố Budapest bởi họ đang “thực sự tham gia vào các vấn đề khí hậu và thường có rất nhiều ý tưởng và giải pháp". Quan chức của WHO cho rằng, hành động đối với biến đổi khí hậu không thể được xác định dựa trên một chính phủ hoặc một đảng phái chính trị cụ thể mà đây thực sự cần phải trở thành một vấn đề phi đảng phái, được bảo vệ bởi tất cả các bên.

Nhiều nước châu Âu "oằn mình" trong nắng nóng

Sốc nhiệt là tình trạng y tế nghiêm trọng, xảy ra khi nhiệt độ bên trong cơ thể vượt quá 40 độ C. Hiện tượng này có thể dẫn tới nguy cơ tử vong nếu không được xử trí kịp thời. Các khuyến nghị để giảm thiểu rủi ro bị sốc nhiệt bao gồm: (1) uống nhiều nước; (2) bôi kem chống nắng; (3) mặc quần áo thoáng mát; (4) không để người và vật nuôi trong xe đang đỗ; (5) không tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, nhất là vào buổi chiều; (6) tránh luyện tập vào thời điểm nóng nhất trong ngày; (7) thông gió và làm mát nơi ở; (8) tắm nước mát; (9) ăn đồ ăn nhẹ; (10) thận trọng khi sử dụng thuốc. 

Với nhiệt độ nóng như thiêu đốt tấn công châu Âu trong mùa du lịch hè cao điểm, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) vừa cảnh báo đợt nắng nóng ở bán cầu bắc sẽ tiếp tục tăng cường.  Để nâng cao sự cảnh giác của con người trước những biến đổi khó lường của thời tiết, WMO cũng dẫn số liệu thống kê thảm khốc về  hơn 60.000 người có thể đã chết trong đợt nắng nóng năm ngoái chỉ riêng ở châu Âu.

Trước bối cảnh trên, trung tâm điều phối ứng phó khẩn cấp của Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra cảnh báo đỏ về nhiệt độ cao đối với hầu hết đất nước Italia, khu vực Đông Bắc Tây Ban Nha, Croatia, Serbia, miền Nam Bosnia và Herzegovina và Montenegro. Nhiệt độ tăng cao ở châu Âu khiến nhiều du khách phải hủy kế hoạch du lịch hoặc điều chỉnh hành trình.

Ở Italia, nắng nóng đã khiến nhiều khách du lịch phải giữ mát cho cơ thể bằng cách té nước trong các đài phun nước ở Rome và đứng dưới những chiếc quạt khổng lồ được dựng bên ngoài Đấu trường La Mã.

Theo ghi nhận, nhiệt độ tại Đảo Sardinia ở Địa Trung Hải đạt 44 độ C (112F) trong khi Rome đạt mức 40 độ C (104F) vào ngày 18/7. Bộ Y tế Italia đã đưa ra cảnh báo thời tiết đỏ đối với 20 trong số 27 thành phố chính của đất nước. Con số này dự kiến sẽ tăng lên 23 thành phố trong ngày 19/7.

Một tình nguyện viên của dịch vụ y tế khẩn cấp tại Hy Lạp phát nước miễn phí cho khách đến thăm thành cổ Acropolis . (Ảnh: Reuters )

Nhằm cảnh báo người dân về các nguy cơ do nắng nóng cực đoan, Hội Chữ thập đỏ Bồ Đào Nha đã phát thông điệp trên mạng xã hội, kêu gọi mọi người không được để thú cưng hoặc trẻ em trong ô tô đang đỗ. Trong khi đó, các tình nguyện viên ở Hy Lạp đã phát nước uống cho người dân. Còn ở Tây Ban Nha, các nhà chức trách nước này đã nhắc nhở mọi người tự bảo vệ mình để tránh hít phải khói từ các đám cháy.

Các kỷ lục về nhiệt độ đang bị phá vỡ trên khắp thế giới và các nhà khoa học cho biết rất có thể năm 2023 sẽ trở thành năm nóng nhất từng được ghi nhận, kể từ khi việc đo lường được thực hiện từ những năm giữa thế kỷ 19.

Các nhà khoa học từ lâu đã cảnh báo rằng biến đổi khí hậu, gây ra bởi khí thải nhà kính chủ yếu từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch, sẽ khiến các đợt nắng nóng diễn ra thường xuyên hơn, nghiêm trọng hơn và gây chết chóc nhiều hơn. Họ nói rằng các chính phủ cần phải hành động quyết liệt để giảm lượng khí thải.

Cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu Copernicus của EU cho biết năm 2022 và 2021 đã ghi nhận những mùa hè nóng nhất được ghi nhận ở lục địa này. Hôm 17/7, Liên hợp quốc thông báo mức nhiệt 48,8 độ C ghi nhận trên đảo Sicily của Italy ngày 11/8/2021 là mức nhiệt cao kỷ lục mới ở châu Âu.

Tổng Thư ký WMO Petteri Taalas cảnh báo, thời tiết cực đoan đang tác động mạnh đến sức khỏe con người, hệ sinh thái, nền kinh tế, nông nghiệp, năng lượng và nguồn cung cấp nước. Điều này càng khẳng định tính cấp thiết của việc nhanh chóng cắt giảm lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính./.

T.Lan (Theo Reuters, aljazeera, Reuters)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực