WHO: Đợt dịch bệnh do virus Marburg tại Guinea Xích đạo đã kết thúc

Thứ sáu, 09/06/2023 11:14
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Ngày 8/6, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố chấm dứt đợt bùng phát dịch bệnh do virus Marburg gây ra tại Guinea Xích đạo, sau khi quốc gia này không ghi nhận ca mắc mới nào trong 42 ngày qua kể từ khi bệnh nhân cuối cùng xuất viện.
 Bệnh nhân nhiễm virus Marburg ở châu Phi được điều trị tại bệnh viện. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 13/2, WHO đã tuyên bố đợt bùng phát dịch bệnh đầu tiên do virus Marburg gây ra ở Guinea Xích đạo. Tổng cộng có 17 trường hợp mắc bệnh được xác nhận trong phòng thí nghiệm và 12 trường hợp tử vong đã được ghi nhận. WHO cho biết thêm 4 trường hợp khỏi bệnh đã được đưa vào diện hỗ trợ tâm lý xã hội cũng như nhận được các hỗ trợ khác sau khi phục hồi.

Dịch bệnh đã ảnh hưởng tới 5 quận thuộc 8 tỉnh của Guinea Xích đạo, trong đó, huyện Bata ở tỉnh Litoral phía Tây bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Tiến sĩ Matshidiso Moeti, Giám đốc WHO khu vực châu Phi, tin tưởng rằng: “Trong khi các bệnh dễ bùng phát tiếp tục là mối đe dọa sức khỏe lớn ở châu Phi, chúng ta có thể dựa vào chuyên môn ngày càng tăng của khu vực về ứng phó khẩn cấp đối với sức khỏe để hành động nhanh chóng và dứt khoát, nhằm bảo vệ sức khỏe và ngăn chặn thiệt hại về sinh mạng con người trên diện rộng”.

Bà Moeti ghi nhận công việc khó khăn của các nhân viên y tế Guinea Xích đạo và sự hỗ trợ của các tổ chức đối tác đóng vai trò rất quan trọng trong việc chấm dứt đợt bùng phát dịch bệnh này. Đại diện của WHO cũng khẳng định tổ chức này sẽ tiếp tục làm việc với các quốc gia để cải thiện các biện pháp phát hiện và ứng phó hiệu quả với các đợt bùng phát dịch bệnh trong tương lai.

Để hỗ trợ phản ứng của Guinea Xích đạo đối với đợt bùng phát dịch bệnh do virus Marburg gây ra, trong thời gian qua, WHO đã triển khai các chuyên gia về dịch tễ học, quản lý lâm sàng, hoạt động y tế, hậu cần, truyền thông rủi ro và phòng ngừa dịch bệnh, kiểm soát nhiễm trùng. Tổ chức này đã làm việc với các cơ quan y tế để thành lập một trung tâm điều trị, cung cấp vật tư y tế bao gồm thuốc kháng virus và đào tạo nhân viên y tế về các kỹ năng quan trọng giúp kiểm soát ổ dịch. WHO cũng hỗ trợ các nỗ lực nhằm tăng cường khả năng sẵn sàng và ứng phó với ổ dịch tại các nước láng giềng Cameroon và Gabon.

Mặc dù đợt bùng phát dịch bệnh do virus Marburg gây ra đã kết thúc, WHO vẫn tiếp tục hợp tác với Guinea Xích đạo để duy trì các biện pháp như giám sát và xét nghiệm, giúp bảo đảm hành động kịp thời nếu virus bùng phát trở lại.

Virus Marburg có họ với virus Ebola từng gây một số đợt bùng phát dịch bệnh làm chết người tại miền Tây và Trung Phi. Đây là loại virus có độc lực mạnh, gây sốt cao và thường kèm theo các biểu hiện như xuất huyết, suy nội tạng. Virus Marburg được truyền sang người từ dơi ăn quả và lây lan giữa người với người thông qua cơ chế tiếp xúc trực tiếp với chất dịch cơ thể của người và bề mặt của vật dụng nhiễm virus gây bệnh.

Tại khu vực châu Phi, đợt bùng phát virus Marburg đầu tiên được ghi nhận ở Nam Phi vào năm 1975, sau đó là hai đợt bùng phát khác ở Kenya vào những năm 1980. Sau thời điểm đó, các đợt bùng phát dịch bệnh đã được báo cáo ở Angola, Cộng hòa Dân chủ Congo, Ghana, Guinea, Uganda, và gần đây nhất là Guinea Xích đạo và Tanzania.

Theo WHO, tỷ lệ tử vong trong các trường hợp nhiễm virus Marburg được xác nhận dao động từ 24% đến 88% trong các đợt bùng phát trước đó, tùy thuộc vào chủng virus và cách quản lý ca bệnh.

Hiện không có vaccine hoặc phương pháp điều trị bằng thuốc kháng virus đối với các ca nhiễm virus Marburg, nhưng các phương pháp điều trị tiềm năng, bao gồm các sinh phẩm máu, liệu pháp miễn dịch và liệu pháp dùng thuốc, cũng như các loại vaccine ứng cử viên ban đầu, đang được đánh giá./.

T.Lan (Theo Africanews, WHO)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực