WHO: Nguy cơ toàn cầu liên quan đến Omicron vẫn rất cao

Thứ năm, 27/01/2022 15:10
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) – Trong bối cảnh khi số ca nhiễm COVID-19 lên tới mức kỷ lục mới vào tuần trước với hơn 21 triệu ca nhiễm mới, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính rằng mức độ rủi ro liên quan đến biến thể Omicron vẫn còn rất cao.

Trong bản tin hàng tuần công bố ngày 26/1, WHO nêu rõ: “Dựa trên dữ liệu hiện có, nguy cơ tổng thể từ biến thể Omicron vẫn rất cao”. So với các biến thể khác, Omicron đã cho thấy khả năng lây lan trong cộng đồng ngày càng tăng, dẫn đến số ca mắc mới tăng nhanh ở nhiều quốc gia nơi nó đã thay thế các biến thể khác, bao gồm cả Delta.

Mặc dù vậy, có vẻ như nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng và tử vong sau khi nhiễm Omicron thấp hơn so với các biến thể khác. WHO cho biết: “Tuy nhiên, do số ca mắc rất cao, nhiều quốc gia đã tăng đáng kể về tỷ lệ nhập viện, điều này gây áp lực lên các hệ thống y tế”.

 WHO: Nguy cơ tổng thể từ biến thể Omicron vẫn rất cao. (Ảnh: Reuters)

Xác nhận quyền thống trị của Omicron so với Delta

Nói chung, theo Tổ chức Y tế Thế giới, biến thể Omicron vẫn chiếm ưu thế trên thế giới. Mức độ phổ biến của biến thể Delta đang "liên tục giảm", trong khi các biến thể Alpha, Beta và Gamma đang lưu hành "rất yếu".

Tổ chức Y tế Thế giới cho biết thêm: “Các quốc gia chứng kiến sự gia tăng các trường hợp Omicron trong tháng 11 và tháng 12 năm 2021 đã thấy hoặc đang bắt đầu giảm số ca mắc bệnh”. Trong khi đó, biến thể Omicron chiếm 89,1% các mẫu của virus Corona được thu thập và kiểm tra trong 30 ngày qua. Dữ liệu được tải lên cơ sở dữ liệu GISAID toàn cầu cũng cho thấy Delta, trước đây thống trị, giờ chỉ chiếm 10,7% các trường hợp.

Liên quan đến tiêm chủng, 3 nghiên cứu mới đã cung cấp thêm bằng chứng về việc giảm hiệu quả vaccine mRNA chống lây nhiễm và bệnh có triệu chứng do biến thể Omicron. Các nghiên cứu này báo cáo tình trạng giảm khả năng bảo vệ với hai liều vaccine mRNA chống lây nhiễm và bệnh có triệu chứng do biến thể Omicron so với biến thể Delta trong những tháng đầu tiên sau khi tiêm liều thứ hai.

Hiệu quả vaccine mRNA chống lại Omicron

Theo WHO, một nghiên cứu ở Mỹ báo cáo sự sụt giảm lần lượt khoảng 40% và 30% đối với Moderna-mRNA-1273 và Pfizer BioNTech-Comirnaty, một tháng sau khi tiêm hai liều vaccine. Tuy nhiên, 6 đến 7 tháng sau liều thứ hai, khả năng bảo vệ thậm chí đã giảm xuống 0% đối với cả hai loại vaccine.

Một nghiên cứu thứ hai ở người lớn ở Mỹ cũng cung cấp bằng chứng mới về huyết thanh của Pfizer BioNTech-Comirnaty chống lại các trường hợp nhập viện do biến thể Omicron. Vaccine có hiệu quả 70% trong việc ngăn ngừa nhập viện do Omicron trong 3 tháng đầu tiên sau liều thứ hai, không giảm khả năng bảo vệ sau 6 tháng.

Cùng nghiên cứu này cho thấy rằng liều thứ ba của Pfizer BioNTech-Comirnaty giúp tăng khả năng bảo vệ khỏi nhập viện do biến thể Omicron lên 89% (83 - 92%), được duy trì sau 3 - 5 tháng.

WHO lập luận rằng: “Cả ba nghiên cứu cũng chỉ ra rằng liều thứ ba của vaccine mRNA tăng khả năng phòng vệ từ 0% lên 62 - 78% đối với nhiễm bệnh và bệnh có triệu chứng trong 3 - 5 tháng đầu tiên sau liều thứ ba”.

21 triệu ca mắc mới, bao gồm 50.000 ca tử vong mới trong tuần trước

Theo WHO, ngoài 50.000 trường hợp tử vong mới, hơn 21 triệu trường hợp nhiễm mới đã được ghi nhận. Số ca mắc mới đã tăng 5% trong tuần qua, so với 20% của tuần trước.

Tuy nhiên, WHO cho biết, tỷ lệ mắc bệnh nói chung đang tăng "chậm hơn", đồng thời lưu ý rằng chỉ một nửa số khu vực báo cáo tăng số ca mắc mới hàng tuần, so với 5/6 khu vực vào tuần trước. Đông Địa Trung Hải ghi nhận mức tăng cao nhất về số ca mắc mới (39%), tiếp theo là Đông Nam Á (36%) và khu vực châu Âu (13%).

Khu vực châu Phi ghi nhận mức giảm lớn nhất về số ca mắc mới (31%), tiếp theo là khu vực châu Mỹ (10%), trong khi số ca mắc mới ở khu vực Tây Thái Bình Dương vẫn tương tự như báo cáo trong tuần trước. 

Hơn 352,7 triệu ca trên toàn thế giới, trong đó có 5,6 triệu ca tử vong

WHO cho biết Mỹ vẫn là quốc gia có số ca mắc mới cao nhất. Nhưng với 4,2 triệu ca, con số này giảm 24%. Tiếp theo là Pháp (2.443.821 trường hợp mắc mới, tăng 21%), Ấn Độ (2.115.100 trường hợp mắc mới, tăng 33%), Italy (1.231.741 trường hợp mắc mới, so với tuần trước) và Brazil (824.579 trường hợp mắc mới, tăng 73%).

Ngoài ra, WHO báo cáo 50.000 ca tử vong mới, một con số ổn định so với tuần trước. Ngược lại, số ca tử vong hàng tuần mới tăng ở Đông Nam Á (44%), Đông Địa Trung Hải (15%) và châu Mỹ (7%). Đồng thời, các khu vực khác đều báo cáo số người tử vong mới hàng tuần giảm.

Số người tử vong mới cao nhất được báo cáo bởi Mỹ. Với 10.795 ca tử vong mới, con số này giảm 17%. Tiếp theo là Nga (4.792 người mới tử vong, giảm 7%), Ấn Độ (3.343 người mới tử vong, tăng 47%), Italy (2.440 người mới tử vong, tăng 24%) và Vương quốc Anh (1.888 trường hợp mới tử vong, tương tự số liệu của tuần trước).

Trên toàn thế giới, 352.796.704 trường hợp được xác nhận nhiễm COVID-19, bao gồm 5.600.434 trường hợp tử vong, đã được báo cáo cho WHO. Tính đến ngày 24/1/2022, có tổng cộng 9.620.105.525 liều vaccine đã được sử dụng trên toàn thế giới./.

Khánh Linh (Theo UN, WHO, AFP)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực