Tại phiên khai mạc kỳ họp đặc biệt kéo dài 3 ngày của Đại hội đồng Y tế Thế giới ở Geneva (Thụy Sỹ) ngày 29/11, WHO nhắc đến các hạn chế được nhiều quốc gia công bố đối với việc đi lại bằng đường hàng không đến và đi từ miền Nam châu Phi. Theo đó, nhiều quốc gia đã ngừng các liên kết hàng không với Nam Phi, Botswana, Zimbabwe, Namibia, Lesotho, Eswatini, Mozambique và trong một số trường hợp là Malawi.
Việc khai mạc kỳ họp đặc biệt thứ hai của Đại hội đồng Y tế Thế giới diễn ra khi một phần thế giới đang đóng cửa dưới áp lực từ biến thể Omicron. Trong bối cảnh đó, ngày 28/11, Nam Phi đã tuyên bố cho rằng đó là "sự bất công" và kêu gọi "dỡ bỏ ngay lập tức và khẩn cấp" các hạn chế đi lại phạt nước này".
|
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. (Ảnh: UN) |
Tổng thư ký Liên hợp quốc lo ngại về sự cô lập các nước miền Nam châu Phi
Trong thông cáo báo chí đưa ra hôm 29/11, Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres cũng chúc mừng chính phủ và cộng đồng khoa học và sức khỏe khu vực miền Nam châu Phi "vì đã hành động sớm để xác định sự xuất hiện của một biến thể mới của COVID-19". Ông António Guterres "quan ngại sâu sắc về sự cô lập các nước miền Nam châu Phi do các hạn chế đi lại mới liên quan đến COVID-19".
Tổng thư ký Liên hợp quốc cho biết đã cảnh báo từ lâu rằng “tỷ lệ tiêm chủng thấp là mảnh đất màu mỡ cho các biến thể”. Theo ông, người dân châu Phi không thể bị đổ lỗi vì mức độ tiêm chủng thấp ở châu Phi, và họ “không thể bị phạt vì xác định và chia sẻ thông tin khoa học và sức khỏe quan trọng với thế giới”.
Người đứng đầu Liên hợp quốc kêu gọi tất cả các chính phủ xem xét việc kiểm tra lặp lại đối với khách du lịch, cũng như các biện pháp thích hợp và thực sự hiệu quả khác, với mục đích tránh nguy cơ lây truyền để cho phép đi lại và tiếp xúc, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế.
Các nhà khoa học đang nghiên cứu để giải mã mối đe dọa
Tuyên bố của WHO khẳng định "WHO sát cánh cùng các nước châu Phi và kêu gọi 'biên giới vẫn mở'", đồng thời nhấn mạnh các quốc gia nên "áp dụng cách tiếp cận khoa học", dựa trên "đánh giá rủi ro".
Trong thời gian chờ đợi, các nhà khoa học của WHO và các tổ chức khác trên thế giới đang khẩn trương làm việc để giải mã mối đe dọa do biến thể mới này gây ra.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: “Chúng tôi vẫn chưa biết liệu Omicron có liên quan đến việc lây truyền nhiều hơn, bệnh nghiêm trọng hơn, tăng nguy cơ lây nhiễm hay tăng nguy cơ kháng vaccine hay không”. Ông nói thêm: "Sự xuất hiện của biến thể Omicron đột biến mạnh nhấn tình hình của chúng ta nguy hiểm và bấp bênh như thế nào"; đồng thời lưu ý rằng "một làn sóng ca bệnh và tử vong mới đang quét qua châu Âu".
Theo người đứng đầu WHO, hành tinh không thể chấm dứt đại dịch này nếu không giải quyết được cuộc khủng hoảng vaccine.
Trong vòng chưa đầy một năm, gần 8 tỷ liều vaccine đã được sử dụng trên toàn thế giới, bao gồm gần 530 triệu liều được vận chuyển bằng cơ chế COVAX. Trong số các lô này, hơn 200 triệu liều đã được giao trong 2 tháng qua, nhiều hơn trong 7 tháng đầu năm nay.
|
Các nhà khoa học đang nỗ lực nghiên cứu về biến thể mới đáng lo ngại Omicron. (Ảnh: UN) |
Đoàn kết để ngăn chặn và chống lại đại dịch tốt hơn
Theo ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, “hơn 80% vaccine trên thế giới đã đến các nước G20”. Trước sự bất bình đẳng về vaccine này và sự xuất hiện của biến thể Omicron, thế giới bây giờ nên "cảnh giác" rộng rãi với mối đe dọa của virus Corona. "Chính sự xuất hiện của Omicron là một lời nhắc nhở khác: mặc dù nhiều người trong chúng ta có thể nghĩ rằng chúng ta đã xử lý xong COVID-19, nhưng đại dịch vẫn chưa thể xong với chúng ta" – ông nói thêm.
Đối với WHO, thế giới cuối cùng đang sống trong "một chu kỳ của sự hoảng loạn và bị lãng quên" và những thành quả khó giành được có thể "biến mất trong chốc lát”. “Chúng ta không cần một lời kêu gọi thức tỉnh nào khác. Tất cả chúng ta nên cảnh giác với mối đe dọa của loại virus này” – Tiến sĩ Tedros lập luận.
Với sự xuất hiện của biến thể mới đáng lo ngại Omicron, Tổ chức Y tế Thế giới cũng kêu gọi một thỏa thuận quốc tế nhằm ngăn chặn và chống lại các đại dịch trong tương lai. "Thật vậy, Omicron chứng minh chính xác lý do tại sao thế giới cần một thỏa thuận đại dịch mới" – người đứng đầu WHO nhấn mạnh, đồng thời kêu gọi một thỏa thuận "ràng buộc pháp lý".
Hướng tới thành lập một cơ quan liên chính phủ
Tổng giám đốc WHO lưu ý: “Hơn bất kỳ loài người nào khác trong lịch sử, chúng ta có khả năng lường trước các đại dịch, chuẩn bị cho chúng, gỡ rối di truyền của mầm bệnh, phát hiện chúng trong giai đoạn đầu, ngăn chặn chúng biến thành thảm họa toàn cầu và ứng phó khi chúng xảy ra”.
Dự thảo nghị quyết, sẽ được Đại hội đồng Y tế Thế giới thông qua, hiện chưa kêu gọi thành lập một "hiệp ước đại dịch" hoặc một "công cụ ràng buộc pháp lý". Trước hết, dự thảo thỏa thuận mà các thành viên của WHO đã đồng ý một cách không chính thức quy định việc thành lập “một cơ quan liên chính phủ” để soạn thảo và đàm phán “một công ước, thỏa thuận hoặc công cụ quốc tế khác của WHO về phòng ngừa, chuẩn bị và ứng phó với đại dịch”.
Theo dự thảo nghị quyết, nhóm đàm phán liên chính phủ về một văn bản mới sẽ nhóm họp lần đầu tiên trước tháng 3 năm sau. Dự kiến sẽ có một báo cáo tạm thời vào tháng 5/2023. Kết quả sẽ được đưa lên bàn thảo luận cho Đại hội đồng Y tế Thế giới vào tháng 5/2024./.