|
Hình ảnh phóng đại của một phần da được lấy từ vết thương trên da của một con khỉ bị nhiễm virus đậu mùa ở khỉ. (Ảnh: UN) |
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), “từ ngày 1/1 đến ngày 4/7/2022, 6.027 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ đã được xác nhận trong phòng thí nghiệm và 3 trường hợp tử vong đã được báo cáo cho WHO từ 59 quốc gia/vùng lãnh thổ/khu vực tại 5 khu vực của WHO (Khu vực Châu Phi, Khu vực Châu Mỹ, Khu vực Đông Địa Trung Hải, Khu vực Châu Âu, Khu vực Tây Thái Bình Dương)”. Trong đó, châu Âu vẫn là tâm chấn của đại dịch, với hơn 80% các trường hợp được ghi nhận trên toàn thế giới.
Kể từ khi công bố bản tin trước đó về các đợt bùng phát dịch bệnh vào ngày 27/6, cơ quan Liên hợp quốc báo cáo mức tăng gần 80%. Theo WHO, 2.614 trường hợp mắc mới (tăng 77%) và 2 trường hợp tử vong mới đã được báo cáo. 9 quốc gia/vùng lãnh thổ/khu vực mới được báo cáo.
10 quốc gia không ghi nhận trường hợp mắc mới trong hơn 21 ngày, thời gian ủ bệnh tối đa của đậu mùa khỉ. WHO cho biết trong bản tin dịch tễ học mới nhất của mình: "Đây là lần đầu tiên sự lây truyền cục bộ của bệnh đậu mùa khỉ được báo cáo ở các quốc gia mới bị ảnh hưởng, không có mối liên hệ dịch tễ học nào với các quốc gia đã báo cáo bệnh đậu mùa khỉ ở Tây hoặc Trung Phi".
Chính trong bối cảnh đó, Tổng giám đốc WHO ngày 7/7 đã nhắc lại mối lo ngại về đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ này và thông báo sẽ triệu tập Ủy ban Khẩn cấp nhằm đánh giá mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng chậm nhất là vào tuần 18/7. Tại cuộc họp trước đó, Ủy ban Khẩn cấp của WHO đã quyết định rằng đợt bùng phát này chưa phải là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe.
Tại cuộc họp báo hàng tuần vào ngày 6/7 vừa qua, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng đã bày tỏ “lo ngại về quy mô và sự lây lan của virus trên khắp thế giới”, đồng thời lưu ý rằng việc thiếu các xét nghiệm có nghĩa là có thể có nhiều trường hợp chưa được báo cáo.
Bệnh được gọi là đậu mùa khỉ vì nó được phát hiện lần đầu tiên ở những đàn khỉ được nuôi để nghiên cứu vào năm 1958. Ca nhiễm trên người đầu tiên được ghi nhận vào năm 1970 tại Congo. Trước đây, bệnh đậu mùa khỉ hiếm khi xảy ra bên ngoài châu Phi, do đó, đợt bùng phát tại nhiều quốc gia châu Âu hiện nay đang gây ra lo ngại. Bệnh đậu mùa khỉ thường nhẹ, với các triệu chứng giống như cúm và các tổn thương trên da, đã lây lan trên toàn thế giới từ đầu tháng 5 năm nay. Tỷ lệ tử vong do đậu mùa khỉ trong các đợt bùng phát của chủng virus hiện đang lây lan là khoảng 1%.
WHO định nghĩa tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu (PHEIC) là một sự kiện bất thường gây rủi ro đối với sức khỏe cộng đồng của các quốc gia khác nhau thông qua sự lây lan toàn cầu, và có thể cần sự phối hợp quốc tế để giải quyết. Kể từ năm 2009 đến nay, WHO mới 6 lần tuyên bố một bệnh là PHEIC, với lần gần nhất là với đại dịch COVID-19 vào năm 2020./.