|
Cơ chế COVAX đã vận chuyển hơn 430 triệu liều vaccine đến 50 quốc gia châu Phi. (Ảnh: AFP) |
Theo Đại diện WHO tại châu Phi, đây là đợt triển khai vaccine lớn nhất trong khu vực trong một năm. Tiến sĩ Matshidiso Moeti, Giám đốc WHO khu vực châu Phi, cho biết: “Mặc dù đây là một bước tiến lớn, nhưng chúng ta vẫn cần một bước nhảy vọt thực sự”. Ông cũng đồng thời lưu ý rằng “các chiến dịch tiêm chủng hàng loạt là một chiến thuật để các quốc gia đẩy nhanh việc triển khai vaccine”.
Sau một khởi đầu khó khăn sau lô vaccine đầu tiên của COVAX vào ngày 24/2/2021, châu Phi hiện có nguồn cung cấp vaccine ổn định. 90% các chuyến giao hàng do COVAX thực hiện đã diễn ra trong 6 tháng qua.
Khoảng cách công bằng vaccine toàn cầu có thể thu hẹp
Theo WHO, tổng cộng, cơ chế COVAX đã vận chuyển hơn 430 triệu liều vaccine đến 50 quốc gia châu Phi. Hơn nữa, việc cung cấp vaccine COVID-19 tại châu Phi đã tăng hơn 100% trong khoảng thời gian từ tháng 11/2021 đến tháng 1/2022 so với 3 tháng trước đó.
Các lô vaccine do COVAX vận chuyển chiếm gần 2/3 trong tổng số hơn 680 triệu liều vaccine được chuyển đến châu Phi trong năm qua. Liên minh châu Phi đã vận chuyển khoảng 6% số liều, phần còn lại được cung cấp thông qua các thỏa thuận song phương.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, khoảng cách toàn cầu về công bằng vaccine có thể đang được thu hẹp, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm. “Trong những tháng tới, COVAX mong muốn hỗ trợ thêm cho các quốc gia” – Giám đốc điều hành Văn phòng Cơ chế COVAX Aurélia Nguyễn cho biết.
Thành quả của một chiến dịch ở Kenya và Guinea-Bissau
Để tăng cường việc sử dụng vaccine, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Gavi, Liên minh vaccine và các đối tác khác đã chỉ định 20 "quốc gia ưu tiên" sẽ được hưởng lợi từ sự hỗ trợ tăng cường. Các chiến dịch tiêm chủng hàng loạt đã được thực hiện ở 10 quốc gia để tiếp cận 100 triệu người vào cuối tháng 4/2022.
Chiến dịch này sẽ nhắm vào các bối cảnh đô thị khác nhau, bao gồm các trung tâm mua sắm và chợ, cũng như các cộng đồng nông thôn khó tiếp cận.
Trong chiến dịch kéo dài hai tuần kể từ đầu tháng 2 vừa qua, Kenya đã tăng gấp 3 lần số liều vaccine được tiêm so với số người đã được tiêm trong hai tuần trước khi bắt đầu chiến dịch.
Tại Guinea-Bissau, gần 125.000 liều vaccine đã được tiêm trong chiến dịch kéo dài 2 tuần từ tháng 2, so với 11.000 liều vaccine trong cả tháng 1 trước đó.
Chỉ 13% người châu Phi được tiêm phòng đầy đủ
Những chiến dịch rộng lớn này đã được tăng cường trong bối cảnh khi đến nay chỉ có 13% người dân châu Phi được tiêm chủng đầy đủ. 18 quốc gia mới chỉ tiêm chủng cho ít hơn 10% dân số của họ và 3 quốc gia tiêm chủng cho ít hơn 1% dân số của họ. 29 quốc gia đã sử dụng ít hơn 50% lượng vaccine dự trữ của họ.
Theo WHO, các nhóm dân số có nguy cơ cao vẫn chưa được các chương trình tiêm chủng tiếp cận đầy đủ. Trong 27 quốc gia báo cáo dữ liệu về tiêm chủng của nhân viên y tế, chỉ 33% nhân viên y tế của họ được tiêm chủng đầy đủ.
Trong 24 quốc gia châu Phi báo cáo số liệu về tiêm chủng của người cao tuổi, chỉ có 21% người lớn trên 50 tuổi được tiêm chủng đầy đủ. Chỉ 11% số người mắc bệnh đi kèm được tiêm chủng đầy đủ ở 20 quốc gia báo cáo dữ liệu này./.