|
WHO đang giám sát chặt chẽ sự lây lan của bệnh đậu mùa khỉ. (Ảnh: UN) |
Theo WHO, lần đầu tiên, các ca tử vong do bệnh đậu mùa ở khỉ đã được báo cáo ở các nước ngoài khu vực châu Phi, ở Tây Ban Nha (2 ca tử vong), Brazil (1 ca tử vong) và Ấn Độ (1 ca tử vong). Báo cáo dịch tễ học mới nhất về căn bệnh này chỉ rõ trong hai trường hợp, các ca tử vong có liên quan đến bệnh viêm não do virus và một số bệnh nhân có tình trạng ức chế miễn dịch tiềm ẩn.
Tổng cộng đã có 11 trường hợp tử vong do bệnh đậu mùa khỉ trên toàn thế giới.
Tính trên toàn thế giới, từ đầu tháng 5 đến nay, gần 28.000 trường hợp đã được phát hiện. Hiện bệnh đã có mặt tại 89 quốc gia/vùng lãnh thổ trong 6 khu vực của WHO. Số ca nhiễm mới tăng gần 75%.
Châu Âu và châu Mỹ chiếm 99% các trường hợp trên toàn thế giới
"Kể từ ấn bản cuối cùng của báo cáo này được công bố vào ngày 25/7/2022, 11.798 trường hợp mắc mới và 6 trường hợp tử vong mới đã được báo cáo" – WHO nêu chi tiết, đồng thời lưu ý rằng 14 quốc gia mới đã công bố các trường hợp mắc bệnh.
Trong 7 ngày qua, 42 quốc gia đã báo cáo tăng số trường hợp mắc bệnh hàng tuần. Nhưng mức tăng lớn nhất được báo cáo là ở Brazil.
14 quốc gia đã không báo cáo các trường hợp mới trong hơn 21 ngày – thời gian ủ bệnh tối đa của bệnh đậu mùa khỉ. Số ca mắc mới hàng tuần được báo cáo trên toàn thế giới tăng gần 20% trong tuần dịch tễ học từ ngày 1 – 7/8 (6.217 ca) so với tuần 25 – 31/7 (5.213 ca).
Theo WHO, phần lớn các trường hợp được báo cáo trong 4 tuần qua là ở châu Âu (53%), tiếp theo là châu Mỹ (46%).
Mỹ nằm trong số 10 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở châu Âu và châu Mỹ
Tính đến ngày 7/8, Mỹ dẫn đầu 10 quốc gia đã báo cáo số trường hợp nhiễm bệnh cao nhất trên toàn thế giới. Washington báo cáo 7.510 ca đậu mùa khỉ. Tiếp theo là Tây Ban Nha (4.577 ca), Đức (2.887 ca), Vương quốc Anh (2.759 ca), Pháp (2.239 ca), Brazil (1.721 ca), Hà Lan (959 ca), Canada (957 ca), Bồ Đào Nha (710 ca) và Italy (505 ca).
Tính đến thời điểm hiện tại, các quốc gia này chiếm 89% các trường hợp được báo cáo trên toàn thế giới. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới cho biết: “Các số liệu cần được giải thích một cách thận trọng do báo cáo không đầy đủ về các trường hợp ở các quốc gia”.
Rộng hơn nữa, bệnh đậu mùa ở khỉ tiếp tục lây lan trên khắp thế giới. Trong 7 ngày qua, tổng cộng 10 quốc gia đã báo cáo trường hợp đậu mùa khỉ đầu tiên của họ. Đó là Montenegro, Uruguay, Liberia, Sudan, Bolivia, Cyprus, các đảo Guadeloupe và Saint-Martin thuộc Pháp, Guatemala và Lithuania.
Quy trình tiêm chủng của WHO
Về tiêm chủng, WHO lưu ý rằng các chương trình phải đi kèm với các chiến dịch thông tin nghiêm ngặt. Điều này chủ yếu để giải thích rằng phải mất khoảng 2 tuần sau khi kết thúc một đợt tiêm chủng (một hoặc hai liều tùy thuộc vào sản phẩm) để khả năng miễn dịch phát triển đầy đủ.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, mức độ bảo vệ do tiêm chủng mang lại trong các trường hợp khác nhau vẫn chưa được xác định đối với dịch bệnh này. "Vì những lý do này, những người trong các cộng đồng bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi bệnh đậu mùa khỉ nên tiếp tục thực hiện các biện pháp bảo vệ trong đợt bùng phát này" – WHO nói thêm.
Nhìn chung, cơ quan Liên hợp quốc kêu gọi các quốc gia đẩy mạnh hành động và thực hiện các khuyến nghị trong tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng được quốc tế quan tâm, nhằm kiểm soát sự bùng phát./.