WHO: Tiêu dùng thuốc lá bắt đầu giảm ở nam giới

Thứ sáu, 20/12/2019 15:40
(ĐCSVN) – Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 20/12 thông báo cho biết, số lượng nam giới hút thuốc lá đã giảm xuống. Những nỗ lực của các quốc gia để cứu sống, bảo vệ sức khỏe và đánh bại việc sử dụng thuốc lá đang tiến triển.
leftcenterrightdel
WHO: sử dụng thuốc lá gây ra hơn 8 triệu ca tử vong mỗi năm, cướp đi sinh mạng của khoảng 1 trong số 2 người tiêu dùng . (Ảnh minh họa: Khánh Linh)

 

Một báo cáo mới của WHO về xu hướng sử dụng thuốc lá cho thấy, lần đầu tiên, số lượng nam giới sử dụng thuốc lá đang giảm xuống. Đây là sự thay đổi lớn trong đại dịch thuốc lá toàn cầu. Báo cáo cho thấy cách thức mà các chính phủ có thể vận dụng để bảo vệ các cộng đồng khỏi việc sử dụng thuốc lá, cứu lấy các mạng sống và tránh những tác hại liên quan đến hút thuốc.

Theo Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, việc giảm tiêu thụ ở nam giới là một bước ngoặt trong cuộc chiến chống hút thuốc lá. "Chúng ta từ lâu đã chứng kiến sự gia tăng ổn định số lượng nam giới sử dụng các sản phẩm thuốc lá gây chết người. Bây giờ, lần đầu tiên, chúng ta đang chứng kiến sự suy giảm, do thái độ kiên quyết hơn của các chính phủ đối với ngành công nghiệp thuốc lá" – Tiến sĩ Tedros hoan nghênh, đồng thời nhấn mạnh rằng WHO sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các nước để duy trì xu hướng mới này.

Kể từ gần 20 năm trở lại đây, tổng số người sử dụng thuốc lá trên toàn thế giới đã giảm khoảng 60 triệu, từ 1,394 tỷ vào năm 2000 xuống còn 1,337 tỷ vào năm 2018, theo ấn bản thứ ba của báo cáo xu hướng toàn cầu về tỷ lệ hút thuốc 2000 – 2025 do WHO công bố.

Sự sụt giảm này phần lớn là do số lượng nữ giới sử dụng thuốc lá giảm khoảng 100 triệu, từ 346 triệu vào năm 2000 xuống còn 244 triệu vào năm 2018. Trong cùng thời gian này, có thêm 40 triệu người đàn ông (82% trong số 1,337 tỷ người trên thế giới hiện nay) sử dụng các sản phẩm thuốc lá (1,093 tỷ vào năm 2018 so với 1,050 tỷ vào năm 2000). Tuy nhiên, báo cáo mới cho thấy xu hướng tăng ở nam giới hút thuốc đã bị dừng lại. Số lượng người tiêu dùng nam được dự đoán sẽ giảm hơn một triệu vào năm 2020 xuống còn 1,091 tỷ và giảm 5 triệu vào năm 2025 xuống còn 1,087 tỷ người.

Đến năm 2020, dự báo của WHO cho thấy giảm 10 triệu người sử dụng thuốc lá trong tổng số cả hai giới so với năm 2018 và giảm thêm 27 triệu người vào năm 2025, trong đó không vượt quá 1,299 tỷ người. Kể từ năm 2010, số người hút thuốc đã giảm ở khoảng 60% các quốc gia.

Theo Giám đốc Xúc tiến Y tế của WHO Ruediger Krech, việc giảm số lượng người hút thuốc lá trên phạm vi toàn cầu cho thấy bằng cách đưa ra các biện pháp và tăng cường hành động toàn cầu dựa trên cơ sở các dẫn chứng sẵn có, các quốc gia có thể bảo vệ hạnh phúc của người dân và cộng đồng của họ.

Mục tiêu giảm 30% số người hút thuốc vào năm 2025 sẽ không đạt được

Tuy nhiên, tiến trình hướng tới mục tiêu do các chính phủ đặt ra là giảm 30% số người hút thuốc lá vào năm 2025 vẫn chưa đủ. Với tốc độ như hiện tại, mức giảm sẽ chỉ đạt 23% vào năm 2025, chỉ có 32 quốc gia có thể vượt qua mức giảm 30%.

Nhưng theo người đứng đầu đơn vị kiểm soát thuốc lá của WHO Vinayak Prasad, sự suy giảm dự kiến ở nam giới, vốn chiếm đại đa số người tiêu thụ thuốc lá, có thể được đẩy mạnh và sử dụng để đẩy nhanh nỗ lực đạt được mục tiêu toàn cầu. "Số lượng người tiêu dùng đang giảm, điều này thể hiện một bước tiến lớn cho sức khỏe cộng đồng toàn cầu" – Tiến sĩ Prasad nói. "Nhưng nhiệm vụ của chúng ta vẫn chưa hoàn thành. Nếu không tăng cường hành động quốc gia, việc giảm hút thuốc theo kế hoạch sẽ không đạt được các mục tiêu toàn cầu. Chúng ta không bao giờ được nới lỏng những nỗ lực chống lại các công ty thuốc lá đa quốc gia" – ông nhấn mạnh.

Thuế sản phẩm thuốc lá giúp giảm tiêu thụ

Báo cáo của WHO cũng đưa ra một số phát hiện quan trọng. Khoảng 43 triệu trẻ em (13 – 15 tuổi) đã sử dụng các sản phẩm thuốc lá trong năm 2018 (14 triệu bé gái và 29 triệu bé trai). Liên quan đến phụ nữ, số người sử dụng thuốc lá năm 2018 là 244 triệu và sẽ giảm 32 triệu vào năm 2025. Việc giảm hút thuốc ở nữ giới chủ yếu là do tiến bộ ở các nước thu nhập thấp và trung bình, trong khi đó ở khu vực châu Âu, số lượng nữ giới hút thuốc lại giảm chậm nhất.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng ngày càng có nhiều quốc gia thực hiện các biện pháp kiểm soát thuốc lá hiệu quả có tác dụng mong muốn trong việc giảm hút thuốc. Thuế đánh vào các sản phẩm thuốc lá giúp giảm tiêu thụ thuốc lá và chi phí y tế, đồng thời cung cấp nguồn thu để tăng cường tài chính cho sự phát triển ở nhiều quốc gia.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, sử dụng thuốc lá gây ra hơn 8 triệu ca tử vong mỗi năm, cướp đi sinh mạng của khoảng 1 trong số 2 người tiêu dùng. Hơn 7 triệu ca tử vong này là do tiêu thụ trực tiếp các sản phẩm thuốc lá, trong khi khoảng 1,2 triệu ca tử vong là do hút thuốc thụ động. Hầu hết các trường hợp tử vong liên quan đến thuốc lá xảy ra ở các nước thu nhập thấp và trung bình, vốn là mục tiêu của các hoạt động tiếp thị và hoạt động mạnh mẽ của ngành công nghiệp thuốc lá./.

Khánh Linh (Theo UN, WHO, AFP)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực