WHO: Tuổi thọ của người dân châu Phi tăng 10 năm

Thứ sáu, 05/08/2022 19:11
(ĐCSVN) – Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 4/8 công bố cho biết tuổi thọ đã tăng trung bình 10 năm ở châu Phi trong giai đoạn năm 2000 –2019, đồng thời lưu ý rằng, tác động của đại dịch COVID-19 có thể đe dọa tới những bước tiến đáng kể này.
 Một người mẹ đưa con 6 tháng tuổi của mình đi kiểm tra sức khỏe tại một phòng khám ở Chipata, Zambia. (Ảnh: UN)

Theo một báo cáo của WHO, tốc độ gia tăng tuổi thọ ở châu Phi lớn hơn bất kỳ khu vực nào khác trên thế giới trong cùng thời kỳ. Nhìn chung, trên thế giới, tuổi thọ chỉ tăng thêm 5 năm.

Tiến sĩ Matshidiso Moeti, Giám đốc WHO khu vực châu Phi, cho biết: “Sự gia tăng mạnh về tuổi thọ khỏe mạnh trong hai thập kỷ qua thể hiện cam kết của khu vực trong việc cải thiện sức khỏe và hạnh phúc của người dân”.

Báo cáo cho thấy tuổi thọ khỏe mạnh - hoặc số năm một cá nhân có sức khỏe tốt - đã tăng lên 56 vào năm 2019 từ mức 46 hồi năm 2000, mặc dù vẫn thấp hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu là 64 tuổi.

“Về cơ bản, điều này có nghĩa là nhiều người đang sống khỏe mạnh hơn, sống lâu hơn, với ít nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm hơn và tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ chăm sóc và phòng ngừa bệnh tật” – Tiến sĩ Moeti nói thêm.

Theo WHO, những cải tiến trong việc cung cấp các dịch vụ y tế thiết yếu, tiến bộ trong sức khỏe sinh sản, bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em là một trong những yếu tố góp phần kéo dài tuổi thọ ở khu vực châu Phi cận Sahara. Cơ quan Liên hợp quốc cũng nhấn mạnh tiến bộ trong cuộc chiến chống lại các bệnh truyền nhiễm, nhờ vào việc tăng cường nhanh chóng các biện pháp chống lại HIV, lao và sốt rét từ năm 2005. Tỷ lệ bao phủ các dịch vụ y tế thiết yếu bình quân được cải thiện từ 24% năm 2000 lên 46% năm 2019. Kết quả đáng kể nhất đã đạt được trong công tác phòng chống và điều trị các bệnh truyền nhiễm. Bên cạnh đó, WHO cũng cảnh báo tình trạng gia tăng đáng kể của bệnh tăng huyết áp, tiểu đường và các bệnh không lây nhiễm khác, cũng như việc thiếu các dịch vụ y tế điều trị cho các bệnh này.

Tuy nhiên, những tiến bộ này có thể bị “tổn hại do tác động của đại dịch COVID-19, trừ khi các kế hoạch phục hồi vững chắc được đưa ra”. Theo Tiến sĩ Moeti, nếu các quốc gia không tăng cường các biện pháp chống lại mối đe dọa của bệnh ung thư và các bệnh không lây nhiễm khác thì lợi ích sức khỏe có thể bị giảm sút. Trung bình, các quốc gia châu Phi đã báo cáo tình trạng gián đoạn trong các dịch vụ thiết yếu lớn hơn so với các khu vực khác.

Ngoài ra, hầu hết các chính phủ ở châu Phi đã tài trợ dưới 50% ngân sách y tế quốc gia của họ, dẫn đến khoảng cách kinh phí lớn. Chỉ có Algeria, Botswana, Cabo Verde, Eswatini, Gabon, Seychelles và Nam Phi tài trợ hơn 50% ngân sách y tế quốc gia của họ.

WHO khuyến nghị các quốc gia đẩy nhanh nỗ lực cải thiện khả năng bảo vệ rủi ro tài chính, suy nghĩ lại và phục hồi hoạt động cung cấp dịch vụ y tế, nhấn mạnh sự tham gia của cộng đồng và kêu gọi khu vực tư nhân. Bên cạnh đó, cần thiết lập hệ thống giám sát các hệ thống địa phương để các quốc gia có thể phát hiện các dấu hiệu cảnh báo sớm về các mối đe dọa sức khỏe và sự cố hệ thống tốt hơn./.

Khánh Linh (Theo UN, AFP)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực